Tổ chức kiểm tra kết quả triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh năm 2024
(binhdinh.gov.vn) - Thực hiện Quyết định số 2329/QĐ-UBND ngày 28 tháng 06 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về việc ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2024. Vào các ngày 05, ngày 06 và ngày 07 tháng 11 vừa qua, Đoàn kiểm tra công tác triển khai thực hiện Đề án 06 của UBND tỉnh đã tổ chức kiểm tra thực tế tại UBND và Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã thuộc UBND huyện Phù Mỹ, UBND thành phố Quy Nhơn và UBND thị xã An Nhơn.
Kiểm tra kết quả triển khai thực hiện Đề án 06 tại UBND thị xã An Nhơn
Qua kiểm tra tại các địa phương, nhìn chung Lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06, ban hành đầy đủ các Kế hoạch triển khai, văn bản chỉ đạo của cấp trên. Thường xuyên tổ chức phổ biến, quán triệt cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về việc tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và cấp có thẩm quyền trong triển khai thực hiện nhiệm vụ Đề án 06 tại địa phương. Cơ quan Công an các cấp đã phát huy vai trò thường trực, kịp thời tham mưu UBND chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bàn. Thường xuyên tham mưu, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền. Lực lượng Công an các cấp tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ chuẩn hóa làm sạch dữ liêu dân cư, đảm bảo dữ liệu “đúng, đủ, sạch sống” phục vụ kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với các ngành. Tham mưu phối hợp với các ngành, các cấp trên địa bàn tổ chức rà soát, chuẩn hóa, số hóa các dữ liệu các ngành Thuế, Y tế, Điện lực, BHXH, Tư pháp, Lao động-Thương binh và Xã hội, ...) đảm bảo kết nối chia sẻ thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và phát triển kinh tế - xã hội trên địa, sẵn sàng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nhiều địa phương đã có cách làm hay sáng tạo, mang lại nhiều hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và tạo sự tiện lợi cho người dân khi tham gia các thủ tục hành chính tại cơ quan Công an, Bộ phận một cửa, giúp giảm thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho người dân. Đối với các dữ liệu đã được số hóa và đồng bộ hoặc kết nối khai thác từ hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia người dân không phải nộp nhiều loại giấy tờ trùng lặp, giảm thiểu công đoạn rườm rà và phức tạp mang lại sự tiện lợi và dễ tiếp cận cho mọi người dân, từ đó nâng cao sự hài lòng của người dân. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế vẫn còn một số tồn tại hạn chế như:
(1) Một số cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa các cấp chưa thực hiện đúng Nghị định 104/2022/NĐ-CP, vẫn còn tình trạng yêu cầu người dân cung cấp bản sao thẻ Căn cước/Căn cước công dân, Giấy xác nhận tình trạng cư trú (CT07) để nộp lưu vào hồ sơ.
(2) Cán bộ, công chức chưa nghiên cứu, nắm vững hướng dẫn của Văn Phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 223/VPUBND-KSTT ngày 13/01/2023 về việc hướng dẫn quy trình số hóa thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và Công văn 600/VPUBND-TTPVHCC ngày 08/9/2023 về việc khai thác, sử dụng kho dữ liệu cá nhân, tổ chức trên Cổng dịch vụ công tỉnh trong thực hiện thủ tục hành chính. Một số bộ phận một cửa cấp xã chưa được cấp chữ ký số chuyên dùng của Ban cơ yếu chính phủ để thực hiện công tác số hóa thành phần hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính theo quy định.
(3) Một số vấn đề liên quan công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin chưa được quan tâm thực hiện đúng, đầy đủ, các máy tính được trang bị tại bộ phận một cửa chưa được trang bị đầy đủ phần mềm diệt Virut, vẫn còn tình trạng lưu trữ tài khoản, mật khẩu của cán bộ, công chức trên thiết bị; lưu trữ nhiều thông tin, hình ảnh, giấy tờ tài liệu của người dân, nguy cơ cao gây lộ lọt thông tin của người dân.
(4) Việc tiếp nhận giải quyết hồ sơ liên thông “khai sinh, khai tử” chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan liên quan. Tình trạng chậm đồng bộ hồ sơ giữa các cơ quan, tiếp nhận giải quyết trễ hạn, trả lại hồ sơ vẫn còn xảy ra, nguyên nhân do một bộ phận cán bộ chưa thực hiện đúng quy trình (cán bộ Tư pháp chưa ký số đóng dấu và đồng bộ bản kết quả điện tử cho hệ thống để thực hiện liên thông các cơ quan khác), chưa thực hiện tốt việc hướng dẫn người dân nộp hồ sơ, dẫn đến tờ khai thiếu chữ ký hoặc không hướng dẫn người dân thực hiện xác nhận thủ tục hành chính qua VNeID dẫn đến hết thời hạn xác nhận, không thể tiếp nhận, giải quyết.
(5) Công tác số hóa dữ liệu hộ tịch đã được quan tâm triển khai thực hiện nhưng còn chậm so với tiến độ đặt ra.
(6) Việc hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho người dân còn chậm, chưa hoàn thành nhiệm vụ cấp tài khoản định danh điện tử cho 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn.
Kết thúc buổi làm việc, Đoàn kiểm tra đề nghị UBND các cấp cần quan tâm tăng cường chỉ đạo các Phòng, Ban chuyên môn, các cơ quan đơn vị trực thuộc và UBND cấp xã quán triệt, hiểu rõ hơn nữa vai trò, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện Đề án 06, phát huy vai trò của Người đứng đầu các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao, tạo sự tin tưởng, đồng lòng, ủng hộ trong toàn thể cán bộ, nhân dân trên địa bàn. Trong đó, cần chú trọng thực hiện các nội dung: (1) Chỉ đạo lực lượng Công an, Đoàn thanh niên và các hội đoàn thể trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt, sử dụng tài khoản VNeID, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công, nhất là các dịch vụ công thiết yếu bằng những tài liệu, hình ảnh trực quan, dễ hiểu, dễ tiếp cận, tạo sự thuận lợi nhất để người dân có thể tự thực hiện; (2) Quán triệt cán bộ, công chức thường xuyên nghiên cứu các văn bản hướng dẫn của cấp trên, trao dồi kiến thức, nắm vững quy trình nghiệp vụ và thao thác thành thạo trên các thiết bị, hệ thống thông tin. (3) Quan tâm đầu tư trang thiết bị, nâng cấp hạ tầng thông tin tại Bộ phận một cửa các cấp, nhất là việc cài đặt phần mềm và bản quyền các phần mềm diệt Virut; (4) Thực hiện nghiêm quy định, quy chế khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu từ hệ thống CSDL QG về DC trong thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ người dân, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.
Tác giả: Đặng Văn Cẩn, Phòng CS QLHC về TTXH