"Siêu bí đao" ở Bình Định
Loại bí đao này có từ hàng chục năm nay ở thôn Chánh Trạch 1 và Chánh Trạch 2, thuộc xã ven biển Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Đang vào độ cuối mùa thu hoạch, ngôi nhà anh Dương Công Trực (thôn Chánh Trạch 2) chật chội hơn với loại sản vật độc nhất vô nhị này. Từ trong nhà ra đến ngoài sân, chúng tôi đếm được hơn 40 quả, có quả nặng hơn 50 kg, phải 2 người hợp sức mới nhấc lên được. Phía trước vườn, giàn bí đao lủng lẳng gần 20 quả to không kém.
Chủ vườn chiếm ngôi "quán quân" về bí đao ở đây là ông Nguyễn Văn Triều (65 tuổi, ở thôn Chánh Trạch 1). Khoảnh đất được ông Triều trồng bí đao từ ngày ông mới lập gia đình đến nay nằm khuất sau những bờ tre cao vút. Do giá bí đao hiện đang thấp nên ông Triều không nỡ hạ giàn để bán. Năm nay, ông chỉ trồng chừng 30 cây (người dân địa phương hay gọi là dây) nhưng được đến hơn 120 quả. Những người đến thăm vườn nhà ông Triều như trở nên nhỏ bé trước những quả bí đao vẫn đang phát triển nhưng đã có hàng chục quả dài hơn nửa mét, ước nặng hơn 40 kg. Ông Triều cho biết có năm, vườn nhà ông thu hoạch lên đến hơn 350 quả bí đao, tính tổng trọng lượng hơn 13 tấn. Năm 2007, ông thu hoạch hơn 200 quả, bình quân mỗi quả nặng hơn 35 kg.
Trên địa bàn xã Mỹ Thọ có hơn 100 hộ dân trồng "siêu bí đao". Giống cây trồng ngoại hạng này xuất hiện trên đất Mỹ Thọ từ thời nào chẳng ai rõ, theo những lão nông cao tuổi như ông Cao Dân (65 tuổi) thì khi ông còn nhỏ đã thấy xuất hiện nhan nhản khắp làng. Ông Cao Dân kể, những năm sau giải phóng, có chủ vườn trồng bí đao quả to dài như cái chum lớn, nặng gần 1 tạ. Cùng một giống bí đao Mỹ Thọ, nhưng khi đem trồng ở các nơi khác thì cho quả bình thường, mỗi quả nặng chỉ chừng vài kg. Tuy bí đao giá khá thấp (có thời điểm chỉ hơn 1.000 đồng/kg), nhưng so với các loại cây trồng khác, trồng bí đao cho thu nhập ổn định hơn. Vụ mùa bí đao ở Mỹ Thọ thường bắt đầu từ tháng 11, khoảng từ tháng 4 đến tháng 6 năm sau là thu hoạch. Vốn đầu tư trồng bí đao chẳng bao nhiêu vì các chủ vườn ít khi sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ có sẵn từ hoạt động nông nghiệp, chăn nuôi. Giàn để chống đỡ những quả bí đao siêu nặng thường là vấn đề khiến các chủ vườn đau đầu. Để giàn không bị sập thì mỗi dây bí đao phải cần đến 10 cây tre già được kết nối vững chắc với nhau. Bí đao Mỹ Thọ ít khi được tiêu thụ tại địa phương, thường thì thương lái các nơi tìm đến thu mua để chuyển đi tiêu thụ trong Nam ngoài Bắc. Ban tổ chức nhiều lễ hội thường mua bí đao Mỹ Thọ để trưng bày cho khách tham quan. Đã có nhiều ý kiến cần phải đăng ký xác lập kỷ lục Việt Nam đối với loại bí đao siêu nặng Mỹ Thọ. "Có được như vậy sẽ giúp khẳng định thương hiệu, giúp người nông dân làm ra sản vật không bị chèn ép giá. Nhưng trên hết là cần một sự khảo sát kỹ lưỡng về điều kiện thổ nhưỡng, đặc trưng giống, khả năng sinh trưởng của cây bí đao Mỹ Thọ để nhân rộng mô hình, giúp nông dân các nơi khác cũng có thể trồng và tăng thêm thu nhập ổn định cuộc sống" - anh Trần Xuân Hảo, Chánh văn phòng UBND xã Mỹ Thọ thay mặt bà con đưa ra kiến nghị.
Đình Phú