A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bão giật cấp 12 tàn phá Phú Yên, Bình Định

* Hàng trăm ngôi nhà bị sập, tốc mái; sơ tán khẩn cấp hơn 15.000 người dân; nguy cơ xảy ra lũ lớn  Mời nghe đọc bài Hôm qua 2.11, cơn bão số 11 đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung Bộ gây thiệt hại nặng nề tại hai tỉnh Phú Yên và Bình Định.

Từ sáng sớm 2.11, trên địa bàn Phú Yên và Bình Định xuất hiện mưa lớn và gió mạnh. Gió bão đã làm cho hàng trăm ngôi nhà tốc mái, hàng loạt cây cối, trụ điện ngã đổ ngổn ngang. Gió mạnh làm nhiều phương tiện không thể di chuyển trên đường. Toàn bộ học sinh đều phải nghỉ học.

Nhiều tàu thuyền gặp nạn

Tại Bình Định, biên phòng và người dân đã ứng cứu thành công 6 ngư dân gặp nạn trên biển. Đáng tiếc nhất là trường hợp anh anh Hồ Việt Thôi (27 tuổi, ở P.Trần Phú, TP Quy Nhơn). Anh Thôi làm nghề thả lưới rập đánh bắt ghẹ ven bờ biển Quy Nhơn, có vợ là chị Tuyết (25 tuổi) và con 3 tuổi. Sóng lớn đã cuốn anh Thôi ra khơi xa vào sáng 2.11. Lực lượng cứu hộ đã nỗ lực ứng cứu nhưng không thành công. Đến chiều tối cùng ngày vẫn chưa rõ tung tích của anh Thôi.

Tại Quảng Ngãi, hàng trăm tàu thuyền neo đậu ở cảng cá Sa Huỳnh (H.Đức Phổ) va đập mạnh vào nhau, nên nguy cơ chìm tàu rất lớn. Dù đã được thông báo nghiêm cấm không cho người ở lại trên tàu nhưng nhiều ngư dân ở đây vẫn “cố thủ” để bảo vệ tài sản. Tối 1.11, tàu QNg - 98125 TS của ông Phạm Thanh Sơn (ở H.Đức Phổ) do ông Nguyễn Văn Tuấn làm thuyền trưởng, trên tàu có 9 lao động trong lúc chạy vào cửa sông Gianh (Quảng Bình) trú bão đã bị sóng đánh chìm. Ngay sau khi bị nạn, 4 người đã bơi được vào bờ, còn 5 người được 1 tàu cá khác của Quảng Ngãi phát hiện cứu vớt kịp thời. Một số tuyến đường giao thông về các xã ở 3 huyện: Tây Trà, Sơn Tây và Ba Tơ bị nước lũ chia cắt.

Bão giật cấp 12 tàn phá Phú Yên, Bình Định - ảnh 1
Nhà cửa, hàng quán bị tốc, sập mái sau cơn bão -ảnh: Đình Phú - D.Đ.M

Bất ngờ vì bão vào sớm

Bão bắt đầu đổ bộ vào Phú Yên lúc 8 giờ sáng 2.11 với sức gió cấp 6, giật cấp 8, rồi tăng dần đến cấp 9, giật cấp 11-12. Bão “nằm lì” rồi quần nát nhiều khu dân cư tỉnh này suốt 11 giờ liền gây thiệt hại nặng. Toàn tỉnh mất điện hoàn toàn từ 10 giờ sáng, cây cối ngã đổ ngổn ngang, trường học, nhà dân, trụ sở cơ quan bị tốc mái hàng loạt. Trên các tuyến đường TP Tuy Hòa hầu như vắng bóng người. Anh Đăng, một cán bộ đang làm việc ở Tuy Hòa, cho biết: “Theo dự báo, bão sẽ đổ bộ vào Phú Yên lúc 16 giờ, nhưng mới 8 giờ sáng gió đã thổi mạnh và tâm bão ập vào sớm hơn nên không phòng chống kịp”.

Bão giật cấp 12 tàn phá Phú Yên, Bình Định - ảnh 2
Gió mạnh quật ngã nhiều xe máy ở Phú Yên - ảnh: Đức Huy

Đến 12 giờ trưa, gió bão thổi tung hàng loạt lều quán ven biển dọc theo đường Độc Lập, chỉ còn trơ trụi cột kèo. Gió bốc cát lấp dày mặt đường Độc Lập. Toàn bộ mái tôn của trường THCS Lương Thế Vinh nằm trên đường Phan Lưu Thanh bị gió hất tung ra mặt đường. Trên đường Trần Cao Vân gió bứng gốc cây phượng hơn 50 tuổi, gây ách tắc giao thông. Những người dân ở gần đó đã dầm mưa bão đốn hạ, nỗ lực giải phóng mặt đường. Nhiều cây xanh đường Hùng Vương - con đường đẹp nhất ở TP Tuy Hòa cũng đã bị gió bão bứng gốc. Hệ thống đèn chiếu sáng bị gió làm vỡ tung nhiều bóng đèn, cần đèn bị gãy rơi xuống đường.

Bão quần nát ở Phú Yên đến 14 giờ chiều thì bỗng “dừng lại”, khiến nhiều người dân chủ quan nghĩ bão đã qua nên đổ xô đi ra đường. Nhưng bất ngờ gió mạnh trở lại quật ngã nhiều người đi xe máy, một số người đi xe máy đến ngã ba Điện Biên Phủ - Hùng Vương bị gió hất tung lên thảm cây xanh giữa đường... May mắn không có người bị thương.

Bão giật cấp 12 tàn phá Phú Yên, Bình Định - ảnh 3
Mái tôn trường THCS Lương Thế Vinh (Phú Yên) bị gió giật tung ra đường - ảnh: Đức Huy

Thiệt hại chưa thể thống kê

Theo thống kê sơ bộ, Bình Định có 19 nhà bị sập hoàn toàn, 169 nhà hư hỏng, 1 trạm y tế và 26 phòng học bị tốc mái; 1 sà lan chở hơn 3.000m3 gỗ khi đang neo đậu tại khu vực cảng Quy Nhơn đã bị sóng đánh trôi dạt và chìm tại bờ biển Quy Hòa, P.Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn. Thấy gỗ tràn ra biển, nhiều người dân bất chấp nguy hiểm tính mạng lao ra vớt kéo về nhà.

Riêng tại H.Đông Hòa (Phú Yên) có 3 người bị thương, 3 nhà dân và trụ sở thôn sập hoàn toàn, hơn 300 ngôi nhà và nhiều phòng học bị tốc mái, 2 trụ ăng-ten phát sóng điện thoại di động gãy ngã... Mưa lớn kết hợp triều cường và các hồ đập phía thượng nguồn xả lũ đã gây ngập úng vùng hạ lưu sông Ba. Nhà dân nằm dọc kè Bạch Đằng (TP Tuy Hòa) bị ngập sâu từ 0,5m - 1,2m; có 10 tàu thuyền đang neo đậu tại bến bị sóng đánh vỡ, chìm tại chỗ. Lúc 10 giờ sáng 2.11, tuyến đường sắt và đường bộ qua Phú Yên bị ách tắc do đất đá sạt lở tại Đèo Cả, đến 5 giờ chiều cùng ngày mới được thông tuyến. Thiệt hại đối với tỉnh Phú Yên rất nặng nề, nhưng hiện chưa thể thống kê được con số chính xác.

Bão giật cấp 12 tàn phá Phú Yên, Bình Định - ảnh 4
Gần 22 giờ đêm 2.11, nhiều hành khách còn chen lấn để làm thủ tục hủy chuyến bay tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: Nguyên Hải

Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi hôm qua đã sơ tán khẩn cấp hơn 3.320 hộ dân với hơn 15.000 người đi tránh trú bão. Dự báo hôm nay 3.11, mực nước các sông ở 3 tỉnh này sẽ vượt mức báo động 3. Nhiều vùng lại đứng trước nguy cơ ngập chìm trong mưa lũ.

Bão số 11 tan dần

Tối qua 2.11, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư đã phát đi bản tin cuối cùng về cơn bão số 11. Theo đó, chiều cùng ngày, sau khi đi vào địa phận các tỉnh Bình Định - Khánh Hòa bão số 11 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp. Bão đã gây gió mạnh cấp 8 - giật cấp 9 tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi); cấp 5 - giật cấp 7 tại các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi; cấp 7 - giật cấp 10 tại Quy Nhơn (Bình Định); cấp 8 - giật cấp 12 tại Tuy Hòa (Phú Yên); cấp 5 - giật cấp 9 tại TP Nha Trang (Khánh Hòa). Trên đất liền các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận và khu vực nam Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to, với lượng mưa phổ biến từ 50 - 100mm; một số nơi có mưa lớn hơn như: A Lưới (Thừa Thiên-Huế), Trà My (Quảng Nam), Ba Tơ (Quảng Ngãi), Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên)... Trong 12 giờ tới, vùng áp thấp này di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu và tan dần.

Quang Duẩn - M.V

Nhiều chuyến bay bị hủy do bão

Tối qua 2.11, Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, do ảnh hưởng của bão số 11, hãng đã phải hủy 34 chuyến bay (khứ hồi) từ TP.HCM đi các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, khoảng 2.000 hành khách bị ảnh hưởng do máy bay hủy chuyến. Số chuyến bay bị hủy tập trung vào các chặng TP.HCM - Nha Trang, TP.HCM - Đà Nẵng, TP.HCM - Vinh, TP.HCM - Tuy Hòa.

Theo thông tin từ Hãng hàng không Jetstar Pacific, trong ngày hôm qua đã có 2 chuyến bay tuyến TP.HCM - Đà Nẵng của hãng này phải hủy chuyến.

Tại nhà ga quốc nội của sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và Đà Nẵng tối 2.11, khu vực hành lang, quầy vé và nơi làm thủ tục lên máy bay có rất đông hành khách chen lấn để được ghi giấy hẹn sang các chuyến bay vào hôm nay hoặc trả lại vé.

Về tình hình đường sắt, lãnh đạo ga Diêu Trì (Bình Định) cho biết, từ chiều và tối 2.11 có 3 chuyến tàu trên đường vào TP.HCM phải nằm chờ tại ga Diêu Trì. Tại ga Quy Nhơn, tàu SQN1 (Quy Nhơn - TPHCM) theo lịch trình khởi hành lúc 17 giờ 49 phút, nhưng đến hơn 20 giờ tối qua vẫn còn nằm tại ga, do có một đoạn đường sắt bị nước ngập. Trong khi đó, theo lãnh đạo ga Tuy Hòa (Phú Yên), đoạn đường từ Tuy Hòa về Nha Trang có một đoạn ở khu vực đèo Cả bị phong tỏa do bão, đến hơn 20 giờ tối qua vẫn chưa thể lưu thông được. Tàu từ Nha Trang - Tuy Hòa hôm qua phải hủy chuyến, dự kiến sẽ chạy lại vào hôm nay (3.11) nếu như đoạn đường sắt nêu trên được thông tuyến trở lại. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Trưởng ga Sài Gòn, các chuyến tàu từ ga Sài Gòn đi Hà Nội và các ga ở khu vực miền Trung vẫn khởi hành bình thường.

M.Vọng - X.Toàn - Đ.Mười

Hai huyện ở Khánh Hòa thiệt hại nặng

Khoảng 13 giờ ngày 2.11, vùng tâm bão bắt đầu đi vào vùng phía bắc tỉnh, thuộc địa phận hai huyện Ninh Hòa và Vạn Ninh. Theo lãnh đạo UBND H.Ninh Hòa, đến 17 giờ cùng ngày, toàn huyện có 10 căn nhà sập, 46 căn hư hại, 2 người bị thương do sập nhà; 1 tàu cá bị chìm; nhiều cột điện gãy đổ, 8 xã mất điện hoàn toàn; chưa thống kê được thiệt hại về hoa màu và lồng bè thủy sản. Lãnh đạo UBND H.Vạn Ninh cho biết toàn huyện có hàng trăm căn nhà bị sập, xiêu vẹo, tốc mái, 2 trẻ em bị thương; hàng ngàn lồng bè thủy sản hư hại; chưa thống kê được thiệt hại về nông nghiệp. QL1A qua đèo Cả thuộc địa phận H.Vạn Ninh bị tắc đường từ khoảng 16-17 giờ do sạt lở đất. Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Khánh Hòa, thông tin ban đầu toàn tỉnh có 7 tàu thuyền bị chìm; 1 bè nuôi hải sản bị trôi do đứt dây và chưa cứu được chủ bè.

Tối qua, Công ty quản lý đường sắt Phú Khánh cho biết mưa bão làm nhiều cột điện, cây lớn, đất đá sạt lở đổ xuống đường sắt xuyên Việt, gây tắc đường tại hơn 10 đoạn; nhiều đoàn tàu đã phải dừng bánh. Công ty đã khẩn trương điều động lực lượng, phương tiện khắc phục sự cố. Đến 20 giờ cùng ngày đường mới thông trở lại.

Văn Kỳ - Diệp Đức Minh

Đức Huy - Hiển Cừ - Đình Phú


Tin mới nhất Tin mới nhất