Đến xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn), đi đâu chúng tôi cũng nhìn thấy những vỉ bánh tráng phơi dọc hàng rào hai bên đường. Trong số sáu thôn của xã, Trường Cửu là nơi sản xuất bánh tráng nhiều nhất nên được mệnh danh là làng bánh tráng Trường Cửu. Bánh tráng ở đây không trắng, mỏng như loại thường thấy ở các chợ, mà dày và đen hay vàng còn tùy vào loại mè người ta bỏ vào bánh.
Cũng như bao làng quê khác làm nghề tráng bánh ở Bình Định, người phụ nữ ở Trường Cửu đóng vai trò chính trong công việc này. Hàng ngày, từ tờ mờ sáng, họ đã thức dậy, ngâm gạo, xay và pha bột. Kế đến là đốt lò và đặt lên đó một nồi nước lớn có căng tấm vải trên miệng nồi để làm khuôn. Đợi nước sôi, họ dùng một vá dừa nhỏ, múc bột đổ lên tấm vải, tráng một lớp mỏng rồi đậy nắp lại; bột “quây” phải đều, nếu không chiếc bánh sẽ bị chỗ thật dày, chỗ thật mỏng. Một lát sau, họ dùng cái nẹp tre hay chiếc đũa lớn vớt bánh ra, trải lên vỉ tre, mang đi phơi. Tuy vất vả là vậy nhưng nghề bánh tráng được xem là nghề ổn định của những những vùng nông thôn thuần nông.
Trong khi một số làng nghề khác đang chịu nhiều sự cạnh tranh gay gắt và có nguy cơ bị mai một, thì làng bánh tráng Trường Cửu ngày càng được mở rộng vì có đầu ra ổn định. Có lẽ bởi bánh tráng Trường Cửu có chất lượng ổn định, mẫu mã đẹp, bắt mắt, giá cả lại hợp lý. Hiện trung bình một ngày, các hộ làm ra khoảng 50 đến 70 kg bánh (khoảng 40 ràng), có hộ làm đến cả tạ bánh. Thời gian làm bánh cao điểm là từ tháng tám đến tháng chạp âm lịch, để chuẩn bị bán Tết. Trường Cửu vào những ngày này nhộn nhịp như hội, nhà nhà làm bánh, người người làm bánh. Các hộ trong làng thức cả ngày lẫn đêm, để pha bột, tráng bánh, phơi bánh.
Trụ sở: 30 Nguyễn Huệ, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Công Vịnh - Phó Chủ tịch TT UBND thành phố
Điện thoại: 0256.3822176; Fax: 0256.3826076; Email: ubndtpquynhon@gmail.com, ubndtpquynhon@quynhon.binhdinh.gov.vn
Phản ánh sự cố An toàn thông tin: Phạm Hoàng Lâm - Điện thoại: 0935559659