Gìn giữ tinh hoa võ cổ truyền dân tộc
Phát triển chưa bền vững
Ở Tây Sơn, VCT được các cấp, các ngành quan tâm, thu hút sự tham gia tập luyện của đông đảo thanh thiếu niên, học sinh. Nhiều võ đường, phòng tập dưới sự hướng dẫn của các võ sư, HLV danh tiếng và tâm huyết đã góp phần phát huy những nét tinh hoa của VCT dân tộc; đóng góp tích cực trong các lễ hội truyền thống của địa phương. Đến nay, toàn huyện có 21 võ đường, phòng tập với hơn 550 võ sinh, võ sĩ thường xuyên tập luyện. Riêng 2 võ đường Hồ Sừng (xã Bình Thuận), Phan Thọ (xã Bình Nghi) và đội nhạc võ của Bảo tàng Quang Trung thường đổi mới về phương pháp, nội dung huấn luyện các bài VCT theo quy định cấp quốc gia, nên luôn đạt thành tích cao tại các kỳ thi, giải đấu cấp tỉnh.
Tuy có bước phát triển song phong trào tập luyện VCT ở Tây Sơn vẫn thiếu sự ổn định và không đều ở các địa phương trong huyện. Việc tổ chức tập luyện còn mang tính phong trào, chủ yếu trong dịp hè; trình độ chuyên môn, tay nghề của các võ sư, HLV không đều. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ tại các võ đường cũng còn khá khiêm tốn, ảnh hưởng đến việc duy trì hoạt động và phát triển của các võ đường, phòng tập; chưa tạo được hình ảnh hấp dẫn để thu hút du khách đến nghiên cứu, thưởng ngoạn. Nhiều HLV trẻ chưa chịu khó sưu tầm các bài võ chân truyền mang đặc thù của địa phương hoặc các bài quy định của quốc gia để truyền đạt, mà chủ yếu là tập đòn thế đối kháng để tự vệ nên các bài võ giá trị có nguy cơ bị mai một.
Theo đề án “Bảo tồn và phát triển các làng võ cổ truyền huyện Tây Sơn”, sẽ có một khoản kinh phí đầu tư tập trung cho võ đường Hồ Sừng (Trong ảnh: Võ sư Hồ Sừng (phải) và con trai - HLV Hồ Sỹ) |
Ông Hà Quang Cảnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Tây Sơn, cho biết: “Võ Tây Sơn - Bình Định có từ lâu đời nên việc bảo tồn và phát triển phong trào tập luyện là một nhiệm vụ quan trọng cần được đầu tư thích đáng”. Cũng theo ông Cảnh, với mục tiêu gìn giữ tinh hoa VCT dân tộc, đề án “Bảo tồn và phát triển các làng VCT huyện Tây Sơn” sẽ tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Tuyên truyền, vận động; tăng cường quản lý nhà nước, củng cố tổ chức Hội Võ thuật và các làng võ; thực hiện xã hội hóa các làng võ và hoạt động phong trào; sưu tập, biên soạn tài liệu liên quan đến VCT Tây Sơn - Bình Định; nâng cao chất lượng tổ chức biểu diễn tại các làng võ, kết hợp phát triển thương mại, du lịch; đổi mới phương pháp đào tạo, huấn luyện.
Một số giải pháp then chốt được đề ra như: Mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia tập luyện VCT; hình thành các đội biểu diễn chuyên sâu tại các làng võ, võ đường; xây dựng kế hoạch đưa VCT vào giảng dạy thí điểm tại một số trường học trong tiết học thể dục - thể thao tự chọn; đầu tư tập trung cho 2 võ đường Phan Thọ và Hồ Sừng, sau đó, sẽ nhân ra diện rộng.
Huyện Tây Sơn cũng sẽ phối hợp với các ngành liên quan thành lập tổ công tác nghiên cứu, sưu tầm các loại tài liệu võ học Tây Sơn - Bình Định để biên soạn, hệ thống lại các nội dung, lời thiệu võ thuật các môn phái làm tài liệu lưu trữ phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học.
Trước mắt, UBND huyện sẽ tập trung củng cố, kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ võ sinh, võ sĩ tại các làng võ để biểu diễn phục vụ khách du lịch và tại các lễ hội truyền thống. Các làng võ, võ đường sẽ giới thiệu các bài thuốc, rượu võ chữa trị chấn thương. Hàng năm, huyện cũng tổ chức liên hoan biểu diễn và thi đối kháng giữa các võ đường, phòng tập; biểu dương và khen thưởng những võ sư, HLV và võ sinh có thành tích cao.
Huyện Tây Sơn đã thành lập Hội Võ thuật từ năm 1987. Đến nay, toàn huyện có 11 võ sư, 6 chuẩn võ sư và 25 HLV. |
Huyện Tây Sơn đã thành lập Hội Võ thuật từ năm 1987. Đến nay, toàn huyện có 11 võ sư, 6 chuẩn võ sư và 25 HLV. |