Hội nghị tổng kết thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019-2023”
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bình Định.
Theo báo cáo tại hội nghị, sau 5 năm thực hiện, các nội dung, mục tiêu của Đề án đã hoàn thành, Luật cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN) đã thực sự đi vào cuộc sống của Nhân dân; nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân, nhất là ngư dân trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật và các quy định liên quan đến Luật CSBVN không ngừng được nâng lên, từng bước hạn chế, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật tại các địa phương; tình hình vi phạm pháp luật trên biển của ngư dân, Nhân dân, nhất là vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại, khai thác IUU, xuất nhập cảnh trái phép, tội phạm ma túy trên biển được kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm túc, góp phần quan trọng vào kết quả đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên phạm vi cả nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nhất là trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ an ninh chủ quyền, trật tự an toàn biển, đảo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; động viên được ngư dân hăng hái vươn khơi, bám biển, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên biển vững chắc; đồng thời đấu tranh, phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị về biển, đảo Việt Nam, tạo sự đồng thuận trong xã hội về quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc, gắn với sự nghiệp phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Kết quả thực hiện Đề án đã góp phần tuyên truyền để các quốc gia trên thế giới và khu vực hiểu đầy đủ, chính xác hơn về chính sách, pháp luật quản lý, bảo vệ biển, đảo của Việt Nam nói chung, Luật CSBVN nói riêng (đã in sách Luật CSBVN song ngữ; phối hợp với Bộ Ngoại giao thông tin về cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Luật CSBVN cho công dân Việt Nam sinh sống, học tập, lao động ở nước ngoài tham gia cuộc thi); xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia yêu chuộng hoà bình, thành viên của Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982, có trách nhiệm, luôn tôn trọng, thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế và sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với các thách thức chung, hướng tới mục tiêu giữ gìn vùng biển ổn định, hoà bình, hội nhập và phát triển bền vững. Thực hiện Đề án đã tạo được sự đồng thuận của các ngành, các cấp, địa phương và các tầng lớp Nhân dân về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CSBVN trong thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó quân dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hiệu quả phối hợp giữa lực lượng CSBVN với cấp uỷ, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đã đạt được, một số mặt còn tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, các giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật cảnh sát biển Việt Nam trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật cảnh sát biển Việt Nam, giai đoạn 2019 - 2023”.
Dịp này, tỉnh Bình Định có 1 tập thể là Đài PT&TH Bình Định cùng 2 cá nhân được Bộ quốc phòng tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật cảnh sát biển Việt Nam, giai đoạn 2019 - 2023”. Chủ tịch UBND tỉnh cũng tặng khen cho 5 tập thể có thành tích xuất sắc.