Trung đoàn Không quân 940: Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu
Sau gần 30 năm làm nhiệm vụ huấn luyện đào tạo, từ năm 2010, Trung đoàn Không quân 940 chuyển sang nhiệm vụ huấn luyện SSCĐ. Năm 2011, Trung đoàn đã hoàn thành tốt việc tiếp nhận vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, huấn luyện chuyển loại máy bay cho phi công và các lực lượng bảo đảm từng bước làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, SSCĐ, chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống. Từ tháng 5.2011 đến nay, đơn vị đã đưa vào huấn luyện máy bay chiến đấu SU thế hệ mới thay thế các loại máy bay cũ trước đây.
Một ngày đầu tháng 8 đến thăm đơn vị, tiếp chúng tôi, trung tá Nguyễn Minh Tuấn, Chính ủy Trung đoàn Không quân 940, tin tưởng cho biết: “Không như những năm trước đây có mùa huấn luyện mới bay, hiện nay, Trung đoàn thường xuyên huấn luyện SSCĐ. Các phi công không những tiếp cận, huấn luyện trên các máy bay chiến đấu loại SU thế hệ mới mà còn học các chiến thuật bắn mục tiêu trên không, mặt đất bằng tên lửa”.
Mỗi ngày, thời gian huấn luyện bắt đầu từ 3 giờ 30 phút sáng. Chưa nhìn rõ mặt người, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã chuẩn bị các điều kiện để cất cánh. Khi mặt trời vừa nhô lên, từng phi đội cất cánh lao vút lên bầu trời. Theo Chính ủy Nguyễn Minh Tuấn, trước khi ra quân huấn luyện, Trung đoàn phát động phong trào thi đua đột kích; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao để tạo không khí thi đua phấn khởi trong huấn luyện; đồng thời, chuẩn bị đầy đủ vật chất, vũ khí, trang bị kỹ thuật cho huấn luyện và SSCĐ theo kế hoạch, nội dung đã được xác định.
Trong huấn luyện, Trung đoàn chú trọng huấn luyện cho phi công nắm chắc nội dung theo yêu cầu của từng bài bay, thuần thục các động tác kỹ thuật thao tác, điều khiển máy bay mới. Ngoài việc tập trung huấn luyện bay chuyên sâu, có mũi nhọn, trọng tâm, trọng điểm, các phi đội còn ưu tiên đẩy nhanh tiến độ, nâng cao trình độ bay cho phi công trẻ; tích cực tổ chức bay các bài bay kết hợp, khoa mục bay theo đúng quy định của giáo trình huấn luyện chiến đấu. Đồng thời, tổ chức bay huấn luyện chiến thuật cho phi công sát với từng nhiệm vụ, tình huống, kế hoạch chiến đấu; thành thạo các bài bay ứng dụng như: bay đêm, bay biển, tiêu diệt các mục tiêu trên không, mặt đất, mặt biển; cất, hạ cánh trên đường băng ngắn, hẹp, sân bay dự bị… trong điều kiện thời tiết bình thường cũng như phức tạp. Ngoài ra, Trung đoàn còn quán triệt toàn đơn vị phát huy tính chủ động, sáng tạo trong huấn luyện; tránh thụ động, rập khuôn máy móc, chạy theo thành tích; nhằm bảo đảm kết quả huấn luyện thực chất, toàn diện và an toàn tuyệt đối.
Vừa bước xuống máy bay sau nhiều giờ bay để huấn luyện cho các phi công trẻ, thượng tá Nguyễn Phụng Tuấn, Trung đoàn trưởng, cho hay: “Dù mới đưa vào huấn luyện các máy bay chiến đấu SU thế hệ mới nhưng cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đều quyết tâm cao, có ý thức vươn lên làm chủ khoa học - công nghệ và cố gắng học tập, rèn luyện để bước vào kỹ thuật bay nhanh nhất, đạt chất lượng tốt nhất. Qua một thời gian ngắn huấn luyện, 100% phi công đạt loại khá, giỏi, trong đó, 60% đạt loại giỏi”.
Gần 11 giờ 30 phút, đội bay huấn luyện cuối cùng trong ngày mới hạ cánh an toàn xuống đường băng. Mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt nhưng phi công trẻ Nguyễn Xuân Tú vẫn tươi cười khi tiếp chuyện với chúng tôi. Phi công Tú có trên 500 giờ bay an toàn đối với các máy bay thế hệ trước và anh đã chuyển sang bay huấn luyện máy bay thế hệ mới được 2 tháng. Nguyễn Xuân Tú tâm sự: “Tôi cũng như các phi công khác trong Trung đoàn đều xác định nhiệm vụ nặng nề hơn trước, luôn trong tình trạng SSCĐ nhưng không ai nao núng mà đều quyết tâm cao, huấn luyện thật tốt để trở thành những phi công chiến đấu giỏi”.
Theo thượng tá Nguyễn Phụng Tuấn, sau khi huấn luyện thuần thục, các phi công đều đưa vào diện trực SSCĐ bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, đảo của Tổ quốc.