Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, phát triển chăn nuôi
(binhdinh.gov.vn) - Tại văn bản số 8149/UBND-KT ngày 14/10/2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo về việc chủ động tổ chức, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, phát triển tái đàn vật nuôi; tăng cường thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh động vật và tiêm phòng vaccine cho đàn vật nuôi, báo cáo dữ liệu dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục quán triệt tổ chức triển khai đầy đủ các nội dung theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Văn bản số 7057/BNN-TY ngày 20/9/2024 và Văn bản số 7551/BNN-TY ngày 08/10/2024; các nội dung theo kế hoạch phòng, chống các loại dịch bệnh động vật giai đoạn 2021-2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt; Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 19/01/2024 của UBND tỉnh về Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2024 trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 20/6/2024 của UBND tỉnh về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; Văn bản số 5831/UBND-KT ngày 01/8/2024 của UBND tỉnh về việc chủ động tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh trên diện rộng, gây thiệt hại lớn cho đàn vật nuôi do chủ quan, lơ là, thiếu chỉ đạo, tổ chức thực hiện kịp thời.
Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương tham mưu UBND tỉnh báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình, Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm, Dịch tả lợn châu Phi, Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, Dại năm 2024 trên địa bàn tỉnh; những tồn tại, bất cập, khó khăn, nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/11/2024 để báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tăng cường công tác quản lý chăn nuôi, giám sát dịch bệnh, kiểm soát tái đàn vật nuôi, nhất là đàn lợn. Kiểm tra, đôn đốc các địa phương, tổ chức tốt kế hoạch tiêm phòng đợt 2/2024; đồng thời, đôn đốc xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, VietGAHP, tạo vùng nguyên liệu sản phẩm chăn nuôi an toàn, phục vụ người tiêu dùng và chế biến. Thành lập Tổ công tác, tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về chăn nuôi, thú y, môi trường chăn nuôi đối với các cơ sở sản xuất chăn nuôi, sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y trên địa bàn tỉnh; chú trọng, kiểm soát tái đàn, khai báo chăn nuôi, báo cáo định kỳ và quản lý hoạt động kinh doanh thuốc, vaccine thú y; nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y cung ứng đầy đủ vaccine cho các địa phương, phục vụ công tác tiêm phòng đợt 2/2024. Phân công lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật đứng chân địa bàn, hướng dẫn kỹ thuật, đôn đốc kiểm tra công tác tái đàn, tiêm phòng, kiểm soát dịch bệnh và phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là mùa mưa bão sắp tới. Chủ động phối hợp địa phương xử lý kịp thời tình hình dịch bệnh, không để lây lan diện rộng. Đồng thời, cập nhật đầy đủ các dữ liệu thông tin trên hệ thống VAHIS. Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường kiểm tra hoạt động giết mổ động vật tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và giết mổ tập trung. Kiểm tra, phúc kiểm tại các chốt kiểm dịch động vật và kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập gia súc, gia cầm giống vào địa bàn. Đề xuất lực lượng cảnh sát giao thông tham gia phối hợp (khi cần thiết). Đôn đốc các địa phương trong công tác hình thành các nhóm cộng tác viên và tổ chức, quản lý đội ngũ thú y hành nghề tư nhân, gắn với trách nhiệm phòng chống dịch bệnh động vật tại địa phương.
Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn về các yếu tố nguy cơ, vệ sinh an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm lây sang người, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở đàn vật nuôi để người dân biết, chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của cơ quan y tế, thú y. Kịp thời phát hiện dịch bệnh, báo cáo cho cơ quan thú y, chính quyền địa phương để phối hợp xử lý.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tổ chức tốt kế hoạch tiêm phòng vaccine đợt 2/2024; duy trì tiêm phòng vaccine Cúm gia cầm cho gia cầm nuôi mới, tái đàn, Viêm da nổi cục trâu, bò cho trâu, bò thuộc diện tiêm phòng. Tăng cường triển khai công tác giám sát dịch bệnh, quản lý chăn nuôi thuộc địa bàn. Thành lập Tổ kiểm tra, giám sát công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh; kiểm tra hoạt động giết mổ, mua bán động vật, sản phẩm động vật tại các chợ và điểm giết mổ. Ngân sách huyện, thị xã, thành phố cân đối hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của Tổ tiêm phòng, Tổ kiểm tra, giám sát và các công tác liên quan khác… để phục vụ tốt cho công tác phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh tại địa phương. Chủ động, sẵn sàng tổ chức chống dịch khi xảy ra tại địa phương theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT.
Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tham mưu báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình, Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm, Dịch tả lợn châu Phi, Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, Dại năm 2024 thuộc địa bàn; kịp thời phát hiện những tồn tại, bất cập, khó khăn, nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT) trước ngày 24/11/2024 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Cùng với đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quản lý tốt công tác kiểm soát giết mổ động vật thuộc địa bàn; nhất là các địa phương chưa có cơ sở giết mổ động vật tập trung; tiếp tục xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung. Đối với thành phố Quy Nhơn, sớm có giải pháp khắc phục tình trạng mua bán sỉ thịt lợn, gia cầm tại các chợ, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, nhất là trong mùa mưa bão.
UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chỉ đạo tổ chức triển khai công tác kê khai chăn nuôi, tổng hợp báo cáo định kỳ theo quy định. Hình thành đầy đủ nhóm cộng tác viên ở các địa phương để theo dõi, quản lý chăn nuôi và giám sát dịch bệnh. Rà soát số lượng thú y hành nghề tư nhân thuộc địa bàn, cam kết đăng ký chứng chỉ hành nghề theo quy định. Đồng thời, tăng cường quản lý hoạt động của đội ngũ dẫn tinh viên, thú y hành nghề tư nhân, các cơ sở chăn nuôi, gắn với trách nhiệm tham gia công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương.
Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp UBND cấp xã thông tin tuyên truyền các cơ sở chăn nuôi có nhu cầu tiêm phòng vaccine Dịch tả lợn Châu Phi phải đảm bảo cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng đúng đối tượng và khai báo với Nhân viên thú y cấp xã, báo cáo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp để hướng dẫn, theo dõi. Đồng thời, hướng dẫn các biện pháp phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong mùa mưa bão.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các cấp xã có chăn nuôi giao trách nhiệm cho Nhân viên thú y cấp xã và Trưởng thôn theo dõi, giám sát dịch bệnh, quản lý chăn nuôi, tái đàn và thực hiện khai báo chăn nuôi. Triển khai công tác tiêm phòng vaccine đợt 2/2024, duy trì tiêm phòng bổ sung vaccine phòng bệnh gia súc, gia cầm cho các đối tượng vật nuôi chưa được tiêm phòng, nhất là Cúm gia cầm, Viêm da nổi cục trâu bò. Kiên quyết đưa trâu, bò thả núi về nuôi giữ đề phòng mưa, rét kéo dài. Phát hiện và báo cáo nhanh dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời. Hàng tháng rà soát, tổng hợp số lượng đàn vật nuôi thuộc địa bàn (trâu, bò, gà, vịt, chó, mèo...) để tổ chức quản lý, đánh giá tăng giảm đàn, báo cáo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp để theo dõi theo quy định./.
Tác giả: Minh Anh