A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TP Quy Nhơn mở rộng quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP

Với mục tiêu từng bước xây dựng những mặt hàng nông sản chủ lực, đặc trưng cho từng địa phương, thời gian qua, thành phố Quy Nhơn đã tập trung phát triển các sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân. Được triển khai từ năm 2019, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn thành phố Quy Nhơn đã và đang đạt được nhiều kết quả tích cực, thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất - kinh doanh tham gia. Qua đó, giúp các địa phương khơi dậy tiềm năng, lợi thế và quảng bá các sản phẩm đặc trưng, xây dựng sản phẩm hàng hóa chủ lực, có thế mạnh, giúp các chủ thể nâng cao thu nhập.

Ông Phan Tuấn - Trưởng phòng Phòng kinh tế TP Quy Nhơn cho biết: thành phố đã lựa chọn một số sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền để hỗ trợ xây dựng mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thiết kế logo, nhãn hiệu, kiểm nghiệm mẫu để làm hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm… cho một số cơ sở, Hợp tác xã trên địa bàn tham gia chương trình OCOP. Tính đến nay, tổng số sản phẩm OCOP của TP Quy Nhơn đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP là 35 sản phẩm của 20 chủ thể; trong đó, có 10 sản phẩm đạt hạng 4 sao của 4 chủ thể, 25 sản phẩm đạt hạng 3 sao của 16 chủ thể.

Đ/c Nguyễn Đức Toàn - Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn trao Chứng nhận OCOP năm 2023 cho các chủ thể

Quang cảnh trưng bày quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP thành phố Quy Nhơn đến người tiêu dùng

Nhiều sản phẩm OCOP của thành phố được hình thành và phát triển gắn với các địa điểm du lịch và mang giá trị độc đáo của địa phương, tạo hấp dẫn cho du khách như: sản phẩm chả ram tôm, chả mực giã tay, chả cá của Cơ sở Chả cá Thanh Vân 2; nước mắm, cá cơm khô, ruốc khô, mắm ruốc, rong biển sấy giòn, mực một nắng của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh Hương Thanh; bột ngũ cốc, bánh thuyền hạt của Cơ sở sản xuất và kinh doanh Nông sản Khánh Giang; Tổ yến khô, tổ yến tươi, Yến hũ ăn liền của Công ty TNHH Yến Quang; Lạp xưởng Bảo châu loại 1, Lạp xưởng Bảo Châu của Cơ sở Bảo Châu; Chả ram tôm đất của Cơ sở Chả ram tôm đất Hồng Hạnh; Chả cá hấp, Chả cá chiên của Hợp tác xã Thủy sản Nhơn Châu và nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng của riêng TP Quy Nhơn… Bà Phạm Thị Bích Kiều - Chủ Cơ sở sản xuất và kinh doanh Nông sản Khánh Giang chia sẻ: Chương trình OCOP đã giúp chủ thể OCOP tiếp cận với thị trường, hiểu được thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng; từ đó, tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, xúc tiến bán hàng, được nâng cao về chất lượng, tiêu chuẩn, hệ thống nhận diện, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Sản phẩm OCOP 3 sao bánh thuyền hạt của Cơ sở sản xuất và kinh doanh Nông sản Khánh Giang được người tiêu dùng ưu chuộng

Cơ sở Chả cá Thanh Vân 2 được người tiêu dùng tin tưởng với các sản phẩm chả ram tôm, chả mực giã tay, chả cá đạt sản phẩm OCOP 3 sao

Hiện nay, cùng với triển khai đồng bộ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, TP Quy Nhơn tập trung phát triển mạnh về du lịch, trong đó, việc xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP nhằm tạo thêm sự thu hút của du khách tham quan có sự đa dạng trong lựa chọn sản phẩm đặc trưng của thành phố. Ông Nguyễn Đức Toàn - Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn cho biết: Sau khi sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP, thành phố có kế hoạch hỗ trợ các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP tham gia các sàn thương mại điện tử, các phiên chợ, Hội chợ, các chương trình xúc tiến thương mại kết nối cung – cầu để quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng. Các sản phẩm OCOP từng bước được người tiêu dùng nhận diện, đánh giá về chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, đặc biệt là bảo đảm an toàn chất lượng. Từ đó, tạo thêm lợi thế để các chủ thể OCOP tìm kiếm thêm cơ hội kinh doanh, tiếp tục mở rộng thị trường; hướng đến xây dựng và mở rộng sản phẩm OCOP, gia tăng giá trị và bền vững trong phát triển kinh tế kinh tế từng địa phương và sản phẩm OCOP của thành phố Quy Nhơn.

Trong thời gian tới, Chương trình OCOP của TP Quy Nhơn sẽ tập trung vào các chính sách, giải pháp hỗ trợ để thúc đẩy các chủ thể phát triển sản phẩm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ và du lịch có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng;  hướng đến xây dựng và mở rộng sản phẩm OCOP đặc sắc, gia tăng giá trị và bền vững trong phát triển kinh tế từng địa phương.

Ánh Nguyệt - Trung tâm VHTTTT


Tin mới nhất Tin mới nhất