Thành phố Quy Nhơn với công tác chi trả chính sách anh sinh xã hội không dùng tiền mặt
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả chế độ đối với đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội là xu hướng ứng dụng trong chuyển đổi số, đồng thời, từng bước cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ cho người dân trong tiếp cận các chính sách an sinh xã hội.
Hiện nay, toàn thành phố có 14,759 người được hưởng chính sách an sinh xã hội; trong đó 4370 đối tượng người có công, 10.389 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí chi trả hàng tháng gần 18 tỷ đồng.
Đ/c Nguyễn Thị Lan – Trưởng Phòng Lao động –TB&XH thành phố tuyên truyền về chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt tại UBND phường Nguyễn Văn Cừ
Trong thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, được sự hướng dẫn của Sở LĐTB&XH, sự chỉ đạo của UBND thành phố, Phòng Lao động – TB&XH TP đã phối hợp với UBND các phường xã, các Ngân hàng thương mại như Vietinbank, BIDV, Sacombank tổ chức triển khai thực hiện nhiều giải pháp vận động người dân nhận chính sách an sinh xã hội qua phương thức chi trả không dùng tiền mặt.
Kết quả đến nay đã thực hiện chi trả chế độ chính sách qua tài khoản ngân hàng cho 5.316/14.758 đối tượng, đạt tỷ lệ 36,02%, vượt chỉ tiêu của thành phố giao trong năm 2024 (1.651người có công và 3.665đối tượng BTXH) với tổng số tiền trên 6,3 tỷ đồng. Trong đó có một số phường thực hiện rất tốt như UBND phường Ghềnh Ráng, Lê Lợi, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Mây tỉ lệ chi trả qua tài khoản đạt khá cao, đặc biệt Phường Ghềnh Ráng đạt 99,12%;
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc chi trả chính sách xã hội không dùng tiền mặt vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập như:
- Các đối tượng hưởng chính sách phần lớn là người cao tuổi, đối tượng yếu thế... gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng thiết bị di động để làm công cụ giao dịch, thao tác rút tiền mặt tại các cây ATM. Một số đối tượng như người cao tuổi, khuyết tật, tâm thần, trẻ em... cần phải thực hiện thủ tục ủy quyền hoặc xác nhận hoàn cảnh để thân nhân nhận thay tiền trợ cấp qua tài khoản ủy quyền. Mặt khác, tâm lý e ngại người được ủy quyền nhận nhưng không trả lại đối tượng, hoặc người ủy quyền nhận tiền nhưng không báo lại đối tượng
- Đối với công tác quản lý chi trả chính sách ASXH hiện nay Phòng LĐTB&XH đang thực hiện cùng một lúc 2 phương thức chi trả: qua tài khoản ngân hàng và chi trả tiền mặt qua dịch vụ Bưu điện nên rất khó theo dõi quản lý, nhất là biến động giảm đối tượng hàng tháng, đối tượng di chuyển ra ngoài địa phương,…
- Thói quen sử dụng tiền mặt, tâm lý e ngại khi tiếp nhận công nghệ mới, e ngại về an toàn, an ninh khi sử dụng thanh toán trực tuyến cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện.
Trong thời gian tới, để hướng tới 100% đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội nhận chi trả không dùng tiền mặt theo Chỉ thị 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Phòng LĐTB&XH TP đề nghị:
- UBND các phường xã cần tích cực hơn nữa tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền trực tiếp đến các đối tượng thụ hưởng, gia đình đối tượng và cộng đồng dân cư về chủ trương thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong nhân dân đặc biệt là nhóm người có công và bảo trợ xã hội.
- Đề nghị UBND phường xã chỉ đạo cán bộ tư pháp hướng dẫn trình tự, thủ tục ủy quyền theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp già yếu, khuyết tật không có khả năng tiếp cận dịch vụ cho người đại diện hợp pháp,.
- Đề nghị công an phường xã phối hợp hoàn thành việc rà soát, làm sạch 100% dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng người có công với cách mạng để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm nguồn phục vụ công tác chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt đến các đối tượng thụ hưởng chính sách.
Có thể khẳng định, việc chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt là một trong những nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách nhanh chóng, thuận lợi, thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong đời sống xã hội góp phần xây dựng thành phố Quy Nhơn có chất lượng cuộc sống tốt, văn minh, hiện đại./.
Nguyễn Thị Lan – Trưởng Phòng LĐ- TB &XH TP.