A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu Lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên toàn quốc

(binhdinh.gov.vn) - Chiều 2/10, tại điểm cầu Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố trên cả nước về việc triển khai Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên toàn quốc.

Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có các đồng chí: Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, MTTQVN tỉnh và các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Bình Định

Thời gian qua, cùng với triển khai các dịch vụ công trên nền tảng số liên quan nhiều đến người dân, thì các bộ, ngành cũng đã triển khai Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp, thí điểm thực hiện ở 2 địa phương Hà Nội và Huế; và xây dựng cơ sở dữ liệu tiến hành mở rộng phạm vi thực hiện ra các địa phương trên cả nước.

Cụ thể, qua hơn 4 tháng triển khai thí điểm mô hình cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VneID, thành phố Hà Nội đã tiếp nhận hơn 39.000 hồ sơ qua ứng dụng VneID; tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiếp nhận gần 4.000 hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VneID trong tổng hồ sơ đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp (đạt tỷ lệ 68%). Một số địa phương khác như Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh cũng đã triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu để thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VneID.

Đối với mô hình Sổ sức khỏe điện tử, đến nay cả nước có hơn 14,6 triệu công dân đã tích hợp Sổ sức khỏe điện tử trên VneID, dữ liệu đồng bộ liên thông qua Bảo hiểm xã hội để tích hợp vào VNeID, hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh liên thông dữ liệu đảm bảo chất lượng, hiệu quả... Những kết quả trên giúp tiết kiệm hơn 1.150 tỷ đồng/năm từ tiền mua sổ y bạ cho 230 triệu lượt người khám bệnh; dễ dàng cung cấp, theo dõi hồ sơ bệnh án của bệnh nhân.

Hội nghị cũng đã thảo luận về những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện thí điểm Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VneID; những hạn chế, vướng mắc và đề xuất giải pháp để triển khai thực hiện mở rộng mô hình này trên phạm vi cả nước.

Đối với tỉnh Bình Định đã hoàn thành triển khai Phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử, kết nối, liên thông dữ liệu với hệ thống quản lý khám chữa bệnh (HIS) đến các cơ sở y tế thuộc Sở Y tế trên địa bàn tỉnh. Dữ liệu được đồng nhất với các quy định của Bộ Y tế.  Tính đến ngày 30/9/2024, có 95% (khoảng 1,440 triệu người) dân số Bình Định có hồ sơ sức khỏe điện tử đã được ghi nhận trên phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử. Ngoài ra, 95% dữ liệu công dân đã được cập nhật, làm sạch và đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Để chuẩn bị các điều kiện cần thiết triển khai Sổ sức khỏe điện tử qua ứng dụng VNeID, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở y tế trực thuộc chuẩn bị đầy đủ điều kiện triển khai Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID theo Quyết định 2733/QĐ-BYT ngày 17/9/2024 của Bộ Y tế.

Về công tác triển khai chuẩn bị cho thí điểm Cấp phiếu lý lịch tư pháp thông qua ứng dụng VneID, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 2578/QĐ-UBND ngày 17/7/2024 về Kế hoạch cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID trên địa bàn tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo là chỉ bàn làm không bàn lùi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm mở rộng dần, không cầu toàn không nóng vội, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm. Cùng với đó quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, làm việc phải đúng trọng tâm trọng điểm, phân công phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả. Các bộ ngành địa phương phải tập trung xây dựng dữ liệu của mình theo tinh thần "đúng, đủ, sạch, sống, theo thời gian thực" và phải kết nối chia sẻ dữ liệu với nhau, trong đó có Sổ sức khỏe điện tử và Phiếu lý lịch tư pháp.

Về mục tiêu, Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi công dân Việt Nam kể cả những người chưa có thẻ bảo hiểm y tế đều sở hữu một sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VneID. Đến đầu năm 2025, 100% cơ sở y tế (công lập và tư nhân) và có 40 triệu người dân sử dụng Sổ sức khỏe điện tử và 100% người dân có nhu cầu được cấp phiếu Lý lịch tư pháp qua VneID.

Về các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm để thực hiện chuyển đổi số quốc gia và 2 ứng dụng này nói riêng một cách hiệu quả, thực chất, Thủ tướng chỉ rõ "5 đẩy mạnh" và "5 bảo đảm". Đó là: Đẩy mạnh chuyển đổi số mạnh mẽ về cả tư duy và hành động; Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số; nâng cao năng lực quản lý nhà nước theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả; Đẩy mạnh phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành theo hướng tăng cường kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu; Đẩy mạnh triển khai các tiện ích trên nền tảng VNeID để người dân, doanh nghiệp hưởng thụ thật; Đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

"5 bảo đảm" gồm: Bảo đảm sự tham gia đồng bộ của tất cả các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triên khai; Bảo đảm hạ tầng số, nền tảng số hoạt động ổn định, thông suốt, không được lõm sóng, lõm điện; Bảo đảm nhân lực để triển khai các ứng dụng, tiện ích, nền tảng số đủ năng lực, đủ tâm, đủ tầm, có trách nhiệm; Bảo đảm 100% người dân, doanh nghiệp có nhu cầu được tiếp cận dễ dàng, an toàn, tiện lợi, chi phí thấp và thu hút người dân tham gia góp ý trong quá trình thiết kế, sáng tạo; hướng đến cá nhân hóa các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp; Bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, tính riêng tư của thông tin, dữ liệu, dữ phải đảm bảo "đúng, đủ, sạch, sống, theo thời gian thực".

Thủ tướng cũng giao các nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành địa phương, nhất là đối với Bộ Công an phối hợp với cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện, tối ưu hóa các tiện ích hiện có trên ứng dụng VNeID, đàm bảo hệ thống hoạt động ổn định, an toàn, thuận tiện. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, phối hợp với ng Bộ Công an đề xuất triển khai, tích hợp tiếp những loại giấy tờ đang quản lý và cung cấp các tiện ích mới trên ứng dụng VNeID (như xác nhận tình trạng hôn nhân, thông báo thi hành án dân sự, thông tin giáo dục, đào tạo...).

Thủ tướng cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp, Sổ sức khỏe điện tử qua VNeID trên địa bàn, hoàn thành trong năm 2024; Khẩn trương nâng cấp hệ thống giải quyết TTHC đảm bảo kết nối thông suốt với các phần mềm nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hoàn thành trong năm 2024; Rà soát, làm sạch dữ liệu về Lý lịch tư pháp, án tích, xóa án tích; đồng bộ, rút ngắn thời gian cấp phiếu và xử lý thủ tục hành chính cho người dân, hoàn thành trong năm 2024.

Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta đang trên con đường xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, hướng tới nền kinh tế số tiên tiến, hệ thống quản lý hiện đại và toàn diện. Những tiện ích như Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID sẽ là bước đi đầu tiên quan trọng để chúng ta tiến nhanh hơn trên con đường này. Tôi tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, chúng ta sẽ tiếp tục gặt hái những thành công lớn hơn trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ số vào mọi mặt của đời sống.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo một số bộ, ngành đã thực hiện nghi thức bấm nút chính thức triển khai mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp thông qua VNeID trên toàn quốc.

 Tác giả: Trang Lê


Tác giả: Võ Hương Quỳnh

Tin mới nhất Tin mới nhất