A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phạt tiền lên đến 100 triệu đồng đối với hành vi hủy hoại rạn san hô

Có thể bạn không biết san hô là loài thủy sản nguy cấp quí hiếm cần được quản lý, bảo tồn. Hãy cẩn trọng! Đừng bẻ phá, dẫm đạp san hô hoặc có những hành động gây ảnh hưởng đến rạn san hô để tránh những hậu quả pháp lý đáng tiếc!

San hô là loại động vật bậc thấp thuộc ngành ruột khoang. Gồm có 2 loại chính là san hô cứng và san hô mềm. San hô sinh sản mọc chồi, sau nhiều năm chúng gắn kết tạo nên tập đoàn san hô. Các cá thể san hô cứng tiết ra cacbonat canxi để tạo bộ xương cứng, xây nên các rạn san hô tại các vùng biển nhiệt đới.

Rạn san hô chính là mái nhà chung của các loài thủy sinh vật. San hô rất phong phú và đa dạng, chính vì vậy những sinh vật sống trong quần thể san hô cũng vô cùng phong phú (từ động vật đơn bào đến đa bào, từ động vật bậc thấp đến động vật bậc cao, và hệ Thực vật) tạo nên một hệ sinh thái rạn san hô đa dạng. Bảo tồn rạn san hô cũng chính là bảo tồn đa dạng sinh học.

Picture11

Rạn san hô tại Bãi Dứa xã Nhơn Lý, ảnh chụp vào tháng 4/2022

Chính vì vậy, Các loài san hô được Chính phủ đưa vào Danh mục các loài thủy sản nguy cấp, quý ,hiếm thuộc Nhóm I ,Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản; chỉ được khai thác cho các mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo giống và hợp tác quốc tế.

Việc khai thác trái phép hoặc hủy hoại rạn san hô sẽ bị xử phạt theo qui định tại Nghị định 42/2019/NĐ-CP qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản như sau:

-Theo qui định tại khoản b, Điều 6. Vi phạm qui định về bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản. Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi hủy hoại nguồn lợi thủy sản hoặc hệ sinh thái thủy sinh hoặc khu vực thủy sản tập trung sinh sản hoặc khu vực thủy sản non tập trung sinh sống; phá hoại nơi cư trú của loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quí hiếm hoặc Danh mục loài nguy cấp quí hiếm được ưu tiên bảo vệ.

- Theo qui định tại khoản 2 . Điều 41. Vi phạm qui định về thu gom, mua bán, lưu giữ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển thủy sản. Tùy theo khối lượng qui phạm, phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng  đối với hành vi thu gom, mua bán, lưu giữ, sơ chế, chế biến, bảo quản , vận chuyển trái phép thủy sản, sản phẩm thủy sản và bộ phận của loài thủy sản có tên trong Nhóm I của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quí hiếm.

Vì vậy cộng đồng, ngư dân và du khách hãy chấp hành đúng các qui định của pháp luật, dừng ngay việc khai thác trái phép, hủy hoại rạn san hô, đồng thời chung tay bảo vệ san hô- mái nhà chung của các loài thủy sinh vật nhằm mục đích phát triển sinh kế bền vững cho thế hệ hôm nay và mai sau./.

Ái Trinh


Tin mới nhất Tin mới nhất

Tin liên quan