Ngày hội nông sản huyện Hoài Ân lần thứ I – năm 2022, quảng bá, kết nối tạo đầu ra cho nông sản
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long trao chứng nhận nhãn hiệu 3 sản phẩm nông nghiệp của huyện Hoài Ân cho lãnh đạo huyện
Ngày hội nông sản lần thứ I – năm 2022 trưng bày, giới thiệu có 91 loại sản phẩm nông nghiệp của huyện Hoài Ân và của các đơn vị trong tỉnh với 17 gian hàng. Nổi bật là một số sản phẩm đặc trưng có thế mạnh của huyện như Bưởi Da xanh, Dừa xiêm, Trà Gò Loi, Trà nụ hoa hòe, Gạo Hữu cơ, Bún khô…
Phát biểu trong chương trình khai mạc ngày hội, ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho hay, với đặc thù là huyện trung du, nền tảng kinh tế chính dựa vào sản xuất nông nghiệp, huyện Hoài Ân đã không ngừng tìm tòi, học hỏi, đổi mới, sáng tạo đã phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương về phát triển nông nghiệp.
Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc phát biểu tại buổi lễ
Từ năm 2016, huyện Hoài Ân tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Địa phương đang chú trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng gia tăng giá trị; tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của địa phương và bước đầu đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Toàn huyện đã quy hoạch các vùng chuyên canh cây ăn quả với diện tích trên 1.590ha tại 10 xã. Đến nay, địa phương có trên 3.120 ha cây ăn quả với các loại cây chất lượng như: Bưởi Da xanh, Dừa xiêm, Bơ sáp, Mít thái, Quýt đường…; đặc biệt là Bưởi Da xanh và Dừa xiêm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao với lợi nhuận trên 150 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, chăn nuôi cũng là thế mạnh của huyện với thương hiệu Heo Hoài Ân, Gà ta thả vườn Hoài Ân. Trên địa bàn huyện có 5 trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao trong quản lý, chăm sóc và 1.960 trang trại, gia trại quy mô vừa và nhỏ. Hiện nay, tổng đàn heo của huyện đạt 235.300 con; đàn trâu, bò đạt 24.900 con; đàn gia cầm đạt 693.000 con. Đến nay, giá trị kinh tế của ngành nông nghiệp chiếm hơn 60% trong tổng cơ cấu giá trị kinh tế toàn huyện và giúp nhiều gia đình có cuộc sống no ấm. Vì vậy, việc tổ chức Ngày hội nông sản sẽ góp phần quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, mời gọi các doanh nghiệp, nhà phân phối tìm cơ hội hợp tác. Ngày hội còn là nơi giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp của nông dân trong huyện. Ông Nguyễn Hữu Khúc bày tỏ: Ngày Hội nông sản huyện Hoài Ân lần thứ nhất được tổ chức là hoạt động thiết thực, tôn vinh những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện trung du này đồng thời giới thiệu, quảng bá những sản phẩm an toàn, chất lượng đến các doanh nghiệp, nhà phân phối và người tiêu dùng; giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh để thu hút các nhà đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp. Đây cũng là cơ hội kết nối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm và xúc tiến các hoạt động thương mại, tăng cường kết nối chặt chẽ giữa 4 nhà “Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học” trong việc liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Tại Lễ khai mạc Ngày hội, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long trao chứng nhận nhãn hiệu cho 3 sản phẩm nông nghiệp của huyện Hoài Ân gồm “Dừa xiêm Hoài Ân”, “Heo Hoài Ân’ và “Gà ta thả vườn Hoài Ân” được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh chúc mừng huyện Hoài Ân, địa phương đầu tiên trong tỉnh tổ chức Ngày hội nông sản. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, sản xuất nông nghiệp có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hoài Ân, nông nghiệp đã giúp nhiều hộ gia đình có thu nhập cao, vươn lên làm giàu, diện mạo nông thôn thật sự khởi sắc. Dù đã đạt được những kết quả khả quan nhưng huyện Hoài Ân vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách trong phát triển kinh tế nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng. Vì vậy, Hoài Ân cần tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng liên kết chuỗi sản xuất hiệu quả. Phó Chủ tịch Thường trực UBND Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh: Thời gian đến, huyện Hoài Ân cần tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất đạt chuẩn hữu cơ, VietGAP, tăng cường ứng dụng tiến bộ KHKT, ứng dụng công nghệ cao hướng đến xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản, mở rộng thị trường, hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, chế biến sâu nhằm tạo cơ sở xây dựng chuỗi giá trị cho các mặt hàng nông sản của địa phương, hướng đến xuất khẩu, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và HTX.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa UBND huyện Hoài Ân và các DN tại Ngày hội
Cũng trong đêm khai hội, đã có 7 thỏa thuận hợp tác cung ứng sản phẩm nông nghiệp, phát triển vùng phát triển vùng trồng cây ăn trái giữa huyện Hoài Ân và các HTX của huyện với các địa phương, doanh nghiệp được ký kết, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, phát triển trong thời gian tới.
Ký kết cung ứng các sản phẩm nông nghiệp