A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hiện Chương trình Sữa học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Bình Định từ năm 2018 đến năm 2020

(binhdinh.gov.vn)-UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 2790/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Sữa học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Bình Định từ năm 2018 đến năm 2020.


Ảnh minh họa

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo, hàng năm, xây dựng, phê duyệt kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Chương trình của ngành giáo dục và đào tạo; thống kê đối tượng, lập dự trù tổng kinh phí thực hiện Chương trình gửi Sở Tài chính thẩm định theo quy định; theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình; tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm và báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền. Chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát đối tượng, lựa chọn cơ sở mầm non đủ điều kiện tham gia Chương trình, trình UBND huyện, thị xã, thành phố phê duyệt danh sách cơ sở giáo dục mầm non, số lượng đối tượng tham gia Chương trình. Tổ chức đấu thầu tập trung để mua sữa thực hiện Chương trình theo Luật Đấu thầu; công bố thỏa thuận khung để Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thi xã, thành phố ký kết hợp đồng mua sữa và thanh toán trực tiếp với doanh nghiệp trúng thầu cung ứng sữa theo đúng quy định. Việc tổ chức đấu thầu tập trung để mua sữa thực hiện Chương trình hoàn thành trong tháng 9/2018. Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và doanh nghiệp cung ứng sữa tổ chức tập huấn, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Chương trình cho cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ y tế trường học của các cơ sở giáo dục mầm non tham gia Chương trình. Tổ chức tuyên truyền và chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động truyên thông nhằm huy động sự tham gia của gia đình đối tượng, sự ủng hộ của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong thực hiện Chương trình.

Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thuộc ngành thực hiện công tác kiểm tra, giám sát về chất lượng sản phẩm sữa, các điều kiện bảo quản sữa nhằm bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; hướng dẫn nhân viên các điểm tiếp nhận và cấp phát sữa của Chương trình cách kiểm tra giám sát chất lượng sữa, bảo quản sữa bằng phương pháp thông thường; chỉ đạo xử lý các sự cố về an toàn thực phẩm nếu có xảy ra. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, doanh nghiệp cung ứng sữa tập huấn nâng cao năng lực thực hiện Chương trình cho cán bộ quản lý, giáo viên, y tế trường học của các cơ sở giáo dục mầm non tham gia Chương trình. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình và đánh giá kết quả thực hiện Chương trình.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ngành, đơn vị có liên quan cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện Chương trình theo kế hoạch hàng năm; kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hàng năm, thống kê, cung cấp cho Sở Giáo dục và Đào tạo số liệu cụ thể về các đối tượng thuộc hộ nghèo trên địa bàn triển khai Chương trình. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế triển khai các hoạt động liên quan thuộc phạm vi Chương trình.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan truyền thông đại chúng triển khai các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân về ý nghĩa, vai trò, lợi ích và tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện Chương trình.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các phòng, ban có liên quan tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng và ban hành kế hoach triển khai thực hiện Chương trình của địa phương; phê duyệt danh sách các cơ sở giáo dục mầm non đủ điều kiện triển khai Chương trình, phê duyệt số lượng đối tượng tham gia Chương trình trên địa bàn quản lý, gửi Sở Giáo dục và Đào tạo trước ngày 15/9 hàng năm. Hàng năm, lập dự trù kinh phí thực hiện Chương trình của địa phương gửi Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, báo cáo Sở tài chính và UBND tỉnh. Bảo đảm kinh phí thực hiện hàng năm theo phân cấp ngân sách hiện hành để triển khại thực hiện Chương trình trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Giáo dục và Đào tạo: Ký kết hợp đồng mua sữa theo thoả thuận khung được Sở Giáo dục và Đào tạo gửi, thanh toán trực tiếp với doanh nghiệp cung ứng sữa; thực hiện việc thanh quyết toán kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ để thực hiện Chương trình; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện cho UBND huyện, thị xã, thành phố và Sở Giáo dục và Đào tạo. Chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình trên địa bàn và định kỳ báo cáo cho UBND tỉnh (thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo).

Các cơ sở giáo dục mầm non tham gia Chương trình xây dựng, thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình tại cơ sở theo hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh, huyện. Tổ chức tuyên truyền, vận động gia đình các đối tượng tham gia Chương trình; chịu trách nhiệm thu khoản kinh phí đóng góp của gia đình đối tượng để mua sữa thực hiện Chương trình nộp về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thị xã, thành phố theo quy định.

Doanh nghiệp cung ứng sữa bảo đảm hỗ trợ 25% kinh phí mua sữa để thực hiện Chương trình; bảo đảm chất lượng sữa cung ứng để thực hiện Chương trình theo đúng quy định của Bộ Y tế; chịu trách nhiệm cung ứng sữa cho các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện Chương trình theo đúng hợp đồng ký kết với các Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thị xã, thành phố.

Đề nghị ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể trong tỉnh chỉ đạo các cấp hội phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo, y tế và các ngành, các cấp chính quyền địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch này theo mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Hữu Phước



Tin mới nhất Tin mới nhất