A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh đã phát triển khởi sắc trở lại

(binhdinh.gov.vn)-Sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát và đẩy lùi, từ nửa cuối tháng 4/2020 trở đi cả nước bước sang giai đoạn mới, vừa phòng, chống dịch bệnh vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Đối với tỉnh ta, nhờ quyết liệt trong công tác chỉ đạo, ...

Lễ khởi công Nhà máy Năng lượng mặt trời Phù Mỹ. Ảnh minh họa

Bên cạnh việc triển khai kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, chính sách mới của Trung ương về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội sau dịch bệnh, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành các giải pháp đột phá tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng cường nắm bắt thông tin, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nhanh với cơ chế, chính sách về miễn, giảm, giãn thuế, phí, lãi suất ngân hàng, tiếp cận đất đai, thị trường tiêu thụ, xuất khẩu… để tăng khả năng chống chịu, thích ứng và từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kết hợp với một số nhân tố thuận lợi như hoạt động nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất của một số nhà máy lớn trên địa bàn tỉnh đã được nối lại, các thị trường tiêu thụ hàng hóa chính (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,...) có dấu hiệu phục hồi, nhiều doanh nghiệp bước đầu đã xuất khẩu được hàng hóa, đã kích thích hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng trưởng trở lại, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 đạt mức tăng 2,38% so với tháng 4/2020.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,15% so với cùng kỳ và cao hơn mức tăng bình quân của cả nước 2,15% (cả nước chỉ tăng 1%). Trong đó, nhóm ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,14%; nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,82%; nhóm ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,41%; nhóm ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 13,18%.

Đối với các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, nhiều ngành đã phát triển khởi sắc trở lại, chỉ số sản xuất tăng khá như: Ngành sản xuất thuốc tăng 13,42%, trong đó sản lượng sản phẩm dung dịch đạm huyết thanh tăng 15,69%, thuốc nước tiêm tăng 25,85%...; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,18%; ngành chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 11,3%; ngành sản xuất trang phục tăng 9,31% so cùng kỳ... Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ gỗ, quần áo, giày dép... đã hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngừng do thiếu nguyên liệu sản xuất hoặc không tiêu thụ được sản phẩm, công suất sản xuất một số doanh nghiệp đã đạt trên 85%.  Riêng ngành chế biến thực phẩm còn gặp một số khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, chỉ số sản xuất giảm 1,5% so cùng kỳ, trong đó sản phẩm tôm đông lạnh, sản lượng giảm 34,59%, sản phẩm cá đông lạnh, sản lượng giảm 4,28%, bia đóng chai, sản lượng giảm 4,42%,... Một số nhà máy chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu lượng hàng tồn kho còn khá lớn.

Cùng với tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất khẩu hàng hóa cũng cải thiện đáng kể. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt 428,2 triệu USD, đạt 44,1% kế hoạch năm, tăng 12% so với cùng kỳ. Các nhóm hàng xuất khẩu chính có sự tăng trưởng cao gồm sản phẩm từ chất dẻo tăng 105,3%, sản phẩm gỗ tăng 8%,… Hàng hoá thông qua cảng biển đạt 4,9 triệu tấn, tăng 8,2% so với cùng kỳ.

05 tháng đầu năm 2020, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng 03 Nhà máy điện năng lượng tái tạo gồm: Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp (công suất 50 MWp), Nhà máy điện mặt trời Fujiwara (50 MWp), Nhà máy phong điện Phương Mai 3 (21 MW) và một số nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, nước giải khát như: Nhà máy nước giải khát Tingco Bình Định; Nhà máy chế biến, bảo quản các sản phẩm thủy sản kết hợp Khu du lịch văn hóa Nhật Bản… góp phần gia tăng đáng kể giá trị SXCN, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thời gian tới, để sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục tăng trưởng bức phá, góp phần hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020 đã đề ra, bên cạnh việc tiếp tục chỉ đạo hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa và xuất khẩu, UBND tỉnh đã và đang tăng cường đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng các dự án điện năng lượng mặt trời, điện gió và các dự án sản xuất công nghiệp khác tại Khu Kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là dự án Nhà máy điện Năng lượng mặt trời Phù Mỹ (công suất 330 MWp, tổng vốn đầu tư gần 7.400 tỷ đồng), dự án Khu Công nghiệp Becamex Bình Định (với quy mô xây dựng 1.000 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 3.333 tỷ đồng)... Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 27/04/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và điều hành thu chi ngân sách địa phương trong điều kiện chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong đó tập trung thực hiện nhóm giải pháp tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, thuế; cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp. Chú trọng tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ổn định thị trường; khai thác có hiệu quả cơ hội phát triển mới từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư... Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động linh hoạt, sáng tạo, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, nhanh chóng nắm bắt cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống người lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Tiêu Tấn Hùng



Tin mới nhất Tin mới nhất