A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương

(binhdinh.gov.vn)-Sáng ngày 2/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm, bàn giải pháp thúc đẩy, phục hồi kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2020. Hội nghị tại ...

Hội nghị tại điểm cầu Bình Định

Là nước hội nhập quốc tế sâu rộng nhưng những tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam. Dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế. GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt mức tăng trưởng 1,81%, thấp nhất 10 năm qua nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; xuất siêu đạt mức 4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu khu vực trong nước đạt khá cao, lên đến 11,7%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 850,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ; dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ, trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng 0,57% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hầu như “đốn hạ” hết các nền kinh tế lớn toàn cầu thì Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương; đồng thời Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên thoát ra khỏi dịch bệnh, thiết lập trạng thái bình thường mới.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong 6 tháng đầu năm 2020, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương đã phối hợp chặt chẽ, chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để sử dụng các biện pháp, công cụ liên quan, cả vi mô và vĩ mô. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm dần, bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,19%, lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,81% so với cùng kỳ. Tiền tệ, ngân hàng cơ bản ổn định, các dịch vụ thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh. Theo Thủ tướng, bên cạnh các điểm sáng tích cực, nền kinh tế cũng bộc lộ những hạn chế, như: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính chung 6 tháng giảm 0,8% so với cùng kỳ, khách quốc tế đến Việt Nam giảm sâu. Tính chung 6 tháng, cả nước có 62.000 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 7,3% về số doanh nghiệp, 19% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.  

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương. (Nguồn: VGP)

Trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng lưu ý các địa phương cần chủ động, vững tin trong nhận định, đánh giá tình hình, không chủ quan nhưng nhất định không được bi quan; càng khó khăn, càng phải nỗ lực vươn lên. Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu trước hết là không để dịch Covid-19 bùng phát trở lại, bởi sẽ tẩy xóa các thành quả mà Việt Nam đã phấn đấu trong thời gian qua. Do đó, tại hội nghị này, Thủ tướng kỳ vọng các địa phương sẽ hiến kế, nêu giải pháp cụ thể để tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân.

Về nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví cỗ máy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam như "cỗ xe tam mã", với 3 cấu phần quan trọng nhất là: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Cần dùng mọi biện pháp để tăng cả 3 con ngựa kéo, đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất. Thủ tướng cũng đề cập đến một số vấn đề như kinh tế ban đêm, kinh tế số, phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người dân về nhà ở, đây là những vấn đề mới, Thủ tướng đề nghị các địa phương lưu ý.

Theo Thủ tướng, doanh nghiệp, người dân đang đối mặt với các khó khăn do đại dịch Covid-19, do vậy, yêu cầu các địa phương cần cắt giảm thủ tục hành chính, sớm báo cáo cấp có thẩm quyền để gỡ bỏ các rào cản. "Chúng ta cần có một thái độ phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp thật nghiêm túc và đúng mực. Một không khí như vậy thì mới tạo sự phát triển, còn cứ quyền anh, quyền tôi, gây khó khăn cho doanh nghiệp thì không bao giờ thành công", Thủ tướng nói.

Tại Hội nghị, Chính phủ và các địa phương thảo luận các kịch bản, các giải pháp để thực hiện “mục tiêu kép” trong nửa chặng đường còn lại của năm 2020, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, không để mất cân đối nền kinh tế…

Đối với tỉnh Bình Định, trong 6 tháng đầu năm, dịch Covid-19 và các biện pháp giãn cách xã hội làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) theo giá so sánh 2010 đạt 22.605 tỷ đồng, tăng 2,01% so với cùng kỳ. Tỉnh cũng đã xây dựng “kịch bản” và triển khai quyết liệt các giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19. Theo đó, phấn đấu Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) năm 2020 tăng từ 4,5 - 4,7%, trong đó Nông – lâm – thủy sản tăng 2,8%; Công nghiệp – Xây dựng tăng 8,5%; Dịch vụ tăng 3,4% và thuế trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,9%....

Thùy Trang



Tin mới nhất Tin mới nhất