A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè - thu

(binhdinh.gov.vn)-UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản số 5506/ UBND-VX về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè - thu trên địa bàn tỉnh Bình Định.


Ảnh minh họa

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế và tình hình thực tế của tỉnh chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè - thu, nhất là các bệnh thường gặp như: sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, tiêu chảy, cúm. Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết. Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh tay-chân-miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác. Chủ động cung cấp thông tin, phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng và chính quyền địa phương tăng cường truyền thông giáo dục sức khoẻ, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt; thực hiện 3 sạch “ăn uống sạch, ở sạch và chơi đồ chơi sạch”; tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín; chủ động kiểm tra và loại trừ các ổ chứa lăng quăng/bọ gậy tại hộ gia đình để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè - thu tại các hộ gia đình, trường học và cộng đồng bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo chí, truyền hình. Hướng dẫn, phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như: vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt, ăn uống, nhất là trong mùa lũ lụt, tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động để phòng chống dịch sốt xuất huyết. Thực hiện việc đảm bảo thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế. Tổ chức các đoàn kiểm tra hỗ trợ các địa phương giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Y tế triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học; tăng cường truyền thông, giáo dục phòng, chống các bệnh truyền nhiễm cho học sinh, giáo viên, phụ huynh học sinh như: rửa tay thường xuyên với xà phòng, thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường sinh hoạt, bảo đảm nước sạch, tham gia diệt lăng quăng/bọ gậy tại hộ gia đình, tại trường học. Chỉ đạo các trường học cải thiện cơ sở vật chất, bố trí vị trí rửa tay thuận tiện với đủ các dụng cụ rửa tay và xà phòng để người chăm sóc trẻ và trẻ em thực hiện rửa tay thường xuyên với xà phòng. Thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Tăng cường giám sát, phát hiện và báo cáo kịp thời các trường hợp bệnh truyền nhiễm xuất hiện trong trường học cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức điều tra và xử lý kịp thời.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội đóng trên địa bàn quản lý triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh mùa hè - thu trên địa bàn; Đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục về vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt; thực hiện 3 sạch: ăn uống sạch, ở sạch và chơi đồ chơi sạch; rửa tay bằng xà phòng, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín... Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn chủ động phối hợp ngành Y tế triển khai các chiến dịch vệ sinh phòng bệnh như: Chiến dịch vệ sinh yêu nước, chiến dịch rửa tay với xà phòng, chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết... Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý cải thiện cơ sở vật chất, bố trí vị trí rửa tay thuận tiện với đủ các dụng cụ rửa tay và xà phòng để người chăm sóc trẻ và trẻ em thực hiện rửa tay thường xuyên với xà phòng. Triển khai mạnh mẽ truyền thông giáo dục phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong hệ thống trường học. Thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Tăng cường giám sát, phát hiện và báo cáo kịp thời các trường hợp bệnh truyền nhiễm xuất hiện trong trường học cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức điều tra và xử lý kịp thời. Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm tại các trường học và cộng đồng; kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót. Bố trí kinh phí theo phân cấp ngân sách hiện hành để triển khai các chiến dịch tại địa phương như: Chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, chiến dịch rửa tay với xà phòng...

Hữu Phước



Tin mới nhất Tin mới nhất