A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cát Tân: Phát huy sức mạnh nhân dân trong xây dựng Nông thôn mới

(binhdinh.gov.vn)-Cát Tân là xã nằm phía nam của huyện Phù Cát – tỉnh Bình Định, có diện tích tự nhiên hơn 28km2, toàn xã có 7 thôn với hơn 16.800 người. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, xã đã tập trung đầu tư xây dựng ...

Một góc xã Cát Tân hôm nay.

Nhờ đó, bộ mặt nông thôn có những bước phát triển đáng kể, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, đến nay xã đã xây dựng hoàn thành và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông  Trần Công Tòng – chủ tịch UBND xã Cát Tân cho biết: Xã Cát Tân xác định công tác xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Từ đó, đảng bộ,chính quyền và các hội, đoàn thể ở địa phương chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của nhân dân về lợi ích, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới. Mọi công việc đều được đưa ra trước nhân dân bàn bạc, thống nhất và để nhân dân quyết định theo phương châm “ dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đồng thời, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã bám sát từng địa bàn dân cư để đôn đốc, nhắc nhở thực hiện…Từ đó, nhân dân thấy rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình nên đã tích cực tham gia đóng góp công sức, tiền của, đất đai để xây dựng nông thôn mới”.

Bằng nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên, kinh phí địa phương, nguồn vốn do nhân dân đóng góp cùng nhiều nguồn huy động khác, xã Cát Tân đã đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều tuyến giao thông, thủy lợi và các công trình văn hóa, xã hội khác, với tổng kinh phí gần 44,5 tỷ đồng. Nổi bật nhất trong xây dựng nông thôn mới ở xã Cát Tân là xã đã huy động được nhiều nguồn lực cùng tham gia. Trong đó, việc phát huy sức mạnh của nhân dân trong xây dựng giao thông nông thôn là một trong những phong trào được đông đảo nhân dân hưởng ứng thực hiện, bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực.  Cụ thể là xã đã triển khai thực hiện thành công việc xây dựng đường bê tông giao thông nông thôn theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, đó là nhà nước hỗ trợ xi măng, xã đầu tư kinh phí thiết kế và nhân dân đóng góp tiền mua cát, sạn và cùng nhau bỏ công lao động; ngoài ra, xã cũng vận động các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn cử cán bộ, chiến sỹ đến hỗ trợ giúp nhân dân làm đường. Mô hình được triển khai đầu tiên ở thôn Hòa Dõng và được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Từ hiệu quả mô hình này, xã đã triển khai thực hiện ra các thôn khác và đã hoàn thành tiêu chí giao thông từ năm 2015. Trong đó, nhân dân đã tự nguyện hiến 15.140 m2 đất và chặt bỏ hàng vạn cây cối, hoa màu, tháo dỡ xê dịch hàng ngàn mét tường rào cổng ngõ và đóng góp hơn 9,3 tỷ đồng để xây dựng 36,8 km đường giao thông nông thôn. Nhờ đó đến nay, 100% đường trục xã, liên xã đã được nhựa và bê tông hóa; 100% đường trục thôn, xóm đã được cứng hóa bằng bê tông xi măng; 82,5% đường ngõ xóm được bê tông và cứng hóa không lầy lội trong mùa mưa, 70% đường trục chính nội đồng được cứng hóa và gần 82% kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa. Ngoài ra, nhân dân trong xã còn tự nguyện đóng góp tiền lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng trên nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, xóm tạo thuận lợi cho việc đi lại vào ban đêm, đồng thời góp phần giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.

Nông dân xã Cát Tân thu hoạch đậu phụng.

Ông Nguyễn Duy Đức - ở thôn Hoà Dõng cho biết: “Con đường trước đây là đường đất, mùa mưa thì lầy lội, lún lấm đi lại rất khó khăn. Vì vậy khi có chủ trương làm đường bê tông xây dựng nông thôn mới, gia đình tôi cũng đóng góp một phần tiền, công sức và hiến một phần đất góp phần làm con đường mới cho rộng rãi, sạch sẽ để gia đình và người dân trong xóm đi lại được thuận tiện và bộ mặt của xóm mình cũng đẹp đẽ hơn”. 

Đi đôi với xây dựng cơ sở hạ tầng, trong sản xuất, xã cũng tập trung vận động nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đưa các giống mới có năng suất cao chất lượng tốt và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh chăm sóc; đồng thời triển khai thực hiện các mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa… Qua đó, không chỉ nâng cao năng suất cây trồng mà còn tạo điều kiện chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để nông dân nắm bắt ứng dụng vào sản xuất, tăng năng suất và thu nhập cho gia đình.

 Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp cũng được khuyến khích đầu tư phát triển, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho nhân dân. Hiện toàn xã có 1.035 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại – dịch vụ hoạt động, với tổng giá trị sản phẩm đạt hơn 157 tỷ đồng/năm, góp phần đáng kể trong việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội cũng được quan tâm thực hiện đầy đủ, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 2 - 4% hiện còn 4,94%, tất cả các trường học từ mầm non đến trung học cơ sở trên địa bàn xã đều có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, xã đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non và hoàn thành phổ cập THCS, gần 72,5% người dân tham gia bảo hiểm y tế, có 7/7 thôn đạt thôn văn hóa và mạng internet được phủ sóng đến tất cả các thôn;  hơn 99,5% hộ dân sử dụng điện và 98,8% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh; thu nhập bình quân đầu người đạt 35,37 triệu đồng/ người/ năm và xã không còn nhà tạm, dột nát. Đến nay, xã Cát Tân đã hoàn thành 19/19 tiêu chí về nông thôn mới.

Ông Trần Công Tòng – chủ tịch UBND xã Cát Tân cho biết: “Để giữ vững các tiêu chí đã đạt đượ, trong thời gian tới xã sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và huy động tối đa sự đóng góp của nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.  Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện các phong trào ở địa phương, để giữ vững và từng bước phát triển nâng cao 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã” ./.

 

                            

Bài và ảnh: Trường Giang



Tin mới nhất Tin mới nhất