A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuy Phước: Tăng cường công tác phòng tránh lụt bão, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đê sông

(binhdinh.gov.vn) - Nằm ở cuối nguồn sông Côn và sông Hà Thanh lại tiếp giáp với đầm Thị Nại nên cứ vào mùa mưa bão ở các làng quê huyện Tuy Phước ngập chìm trong biển nước mênh mông, nhiều xã bị lũ chia cắt dài ngày, thiệt hại về tài sản, tính mạng con người năm nào ...

Huyện Tuy Phươc diễn tập cứu hộ, cứu nạn.

Để ứng phó với mọi tình huống bất lợi, với phương châm “phòng hơn chống” các ngành Công an, Huyện đội, Huyện đoàn, các đơn vị quân đội (Sư 31; Lữ đoàn phòng không 573) đóng quân trên địa bàn huyện đều ký kết phương án tham gia cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ nhân vật lực, lương thực, thuốc men cứu giúp nhân dân kịp thời khi xảy ra tình huống khẩn cấp. Đối với các công trình đê sông, đê biển trọng yếu, qua khảo sát toàn huyện có 6 công trình cần đầu tư kiên cố với kinh phí lên đến trên 27,8 tỉ đồng, gồm: đê sông Gò Chàm (xã Phước Hưng); đê thượng lưu Bảy Phương, đê thượng hạ lưu cầu Vạn và đê biển Bắc thượng lưu đập Nha Phu đều thuộc xã Phước Hòa, đê tả ngạn sông Cầu Đỏ, xã Phước Hiệp có tổng chiều dài gần 3.700 mét. Đến nay, các công trình đê đều đã xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng, chỉ riêng công trình đê biển ngăn mặn Bắc thượng lưu đập Nha Phu thi công trong 2 năm 2016-2017 mới tổ chức triển khai thi công trong tháng 7.2016 đã đạt 40% giá trị xây lắp. Anh Đỗ Phúc Thông, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH xây dựng Tấn Thành, cho biết: Để bảo đảm an toàn tuyến đê Bắc thượng lưu đập Nha Phu, theo phương châm “Làm đoạn nào chắc đoạn đó” hàng ngày chúng tôi huy động 20 công nhân và cơ giới làm việc tích cực nên đã hoàn tất việc đóng cọc tre và thả đá rối chân khay, lắp tấm lát bê tông chiều dài 326 mét đoạn xung yếu bảo đảm an toàn vượt lũ”.

Ông Huỳnh Minh Chấn, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án và đầu tư xây dựng huyện, chia sẻ: Chúng tôi phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, tiến độ thi công các công trình đê sông, đê biển do huyện làm chủ đầu tư đều bảo đảm yêu cầu đề ra, đến nay các công trình đều xây dựng hoàn thành, nhân dân sống trong vùng ảnh hưởng lũ lụt trước đây nơm nớp lo sợ vỡ đê, thì nay đã an tâm hơn với các công trình đê kè nhà nước vừa đầu tư kiên cố.

Thực hiện phương châm “Chủ động phòng tránh, thích nghi để phát triển” Ban PCLB – TKCN huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức họp dân ở các cụm dân cư, chuẩn bị tư tưởng, động viên nhân dân tùy tình hình thực tế mưa lũ mà chủ động ứng phó, tổ chức tập tuấn cho đội thanh niên xung kích trong công tác tiềm kiếm cứu nạn. Huyện cũng đã khảo sát các khu dân cư sống vùng trũng thấp, gần đê sông, đê biển lập phương án triển khai di dời khỏi vùng nguy hiểm khi mưa lũ xảy ra. 4 xã ven đầm Thị Nại chuẩn bị ghe máy và xe vận tải thường trực sẵn sàng nhận lệnh điều động di dời dân vùng trũng thấp lên vùng cao an toàn. Đối với 3 hồ chứa nước (Cây Da, Cây Thích của xã Phước Thành và hồ Hóc Ké của xã Phước An) huyện chỉ đạo xây dựng phương án cụ thể cử người trực canh đề phòng hồ chứa nước bị vỡ kịp thời di dời các hộ dân sống vùng hạ du lên vùng cao an toàn.

Việc kiểm soát các phương tiện đưa đò bằng ghe, sõng ở các đoạn đường tràn và qua sông thực hiện thường xuyên, người đưa đò phải đủ 18 tuổi có sức khỏe tốt biết bơi lội và phải trang bị 100% áo phao cho người đi đò. Thành lập các tổ thanh niên xung kích PCLB túc trực các đoạn đường tràn chảy xiết trên tỉnh lộ 640, 636, 636B để hướng dẫn người và phương tiện tham gia giao thông qua lại an toàn khi có lũ xảy ra. Các xã có sông cần tổ chức triển phạt khơi thông dòng chảy bảo đảm nước lũ tiêu thoát nhanh ra biển hạn chế ngập lụt kéo dài.

Suốt mùa mưa lũ các địa phương bảo đảm trực thông tin liên lạc thông suốt từ huyện đến xã, thị trấn; đài truyền thanh huyện và cơ sở thông báo trên đài về diễn biến đường đi của bão, cấp bão, lũ để nhân dân biết chủ động ứng phó…


Bài, ảnh: XUÂN THỨC



Tin mới nhất Tin mới nhất