A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Nông nghiệp tổ chức hội thảo về công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp và phòng chống chất thải nhựa trong lĩnh vực thủy sản khu vực miền trung và tây nguyên

Sáng ngày 02/10/2020, tại hội trường khách sạn Hoàng Yến, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo về công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp và phòng chống chất thải nhựa trong lĩnh vực thủy sản khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Tham dự Hội thảo có bà Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, ông Đào Xuân Lai, Trợ lý Trưởng đại diện, Trưởng Ban Môi trường và Biến đổi khí hậu, UNDP Việt Namvà hơn 40 đại biểu đại diện các Vụ, Tổng cục, Cục, Viện, Trường… trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện một số Sở Nông nghiệp và PTNT khu vực Miền Trung và Tây Nguyên ( Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản); Sở Tài nguyên và Môi trường; Tổ chức UNDP và một số chuyên gia.

 BNNT12102020001

TS. Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và

Môi trường phát biểu khai mạc hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ môi trường báo cáo đánh giá công tác thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường trong nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chuyên gia Nông nghiệp giới thiệu về hiện trạng quản lý chất thải trong lĩnh vực nông nghiệp; Chuyên gia Thủy sản trình bày về hiện trạng và thách thức trong quản lý chất thải nhựa trên biển trong sản xuất thủy sản; Chuyên gia tư vấn UNDP tham vấn kế hoạch quản lý, kiểm soát chất thải nhựa trong lĩnh vực thủy sản. Đồng thời các đại biểu cùng nhau thảo luận để tìm ra giải pháp quản lý bảo vệ môi trường nông nghiệp và giảm thiểu chất thải nhựa trong lĩnh vực thủy sản trong thời gian tớiđạt hiệu quả.

Theo đánh giá của Vụ Khoa học và Công nghệ môi trường việc tuân thủ và áp dụng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường ở địa phương còn nhiều hạn chế như công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường chưa đạt được hiệu quả trong việc chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong công tác bảo vệ môi trường; Việc quy hoạch và triển khai quy hoạch các khu chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm còn chậm, chưa đồng bộ và chưa phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương; Việc triển khai thực hiện hỗ trợ các công trình xử lý môi trường trong chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế về mức hỗ trợ; Trình độ sản xuất của người dân còn hạn chế, tại một số địa phương nhiều hộ sản xuất theo tập quán chưa đúng quy trình, xử lý chất thải trong chăn nuôi, trồng trọt chưa đúng phương pháp, kỹ thuật. Cơ cấu quỹ đất chưa hợp lý, quỹ đất dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng còn hạn chế, diện tích không đủ lớn để đảm bảo có thể xây dựng khu xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn.

Tại hội thảo, các đại biểu đại diện cho các Sở ngành ở địa phương có ý kiến rằng việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường còn một số mặt hạn chế là do nhiều nguyên nhân như tổ chức hệ thống làm công tác bảo vệ môi trường còn chưa hoàn thiện, lực lượng cán bộ quản lý vật chất còn mỏng, cơ sở vật chất và trang thiết bị còn thiếu đã gây hạn chế cho công tác quản lý bảo vệ môi trường của ngành nông nghiệp và PTNT; Số lượng cơ sở sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún, chăn nuôi nhỏ lẻ nên khó kiểm soát, mức độ đảm bảo về môi trường còn thấp; chi phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải và chi phí vận hành hệ thống xử lý chất thải cao nên các cơ sở, trang trại chăn nuôi thường ít quan tâm đến việc xử lý một cách triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn một số văn bản chưa phù hợp với thực tế, chưa đồng bộ, thiếu văn bản điều chỉnh gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện ở địa phương.

BNNT12102020002

TS. Trần Văn Vinh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định

Phát biểu thảo luận tại Hội thảo

Riêng quản lý chất thải nhựa trên biển trong sản xuất thủy sản đang gặp nhiều khó khăn thách thức. Theo báo cáo của bà Vũ Thị Hồng Ngân – Chuyên gia Thủy sản thuộc Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, 90 % chất thải nhựa trong sinh hoạt trên các tàu cánhư chai nhựa, túi ni lông, vỏ gói mì tôm... là những nhu yếu phẩm cho 1 chuyến biển đều bị xả thải xuống biển. Còn đối với nuôi trồng thủy sản đặc biệt là môi trường nuôi tôm công nghiệp, những vật liệu nhựa đến lúc phải thải ra không biết sẽ phải xử lý như thế nào. Ngoài ra vấn đề rác thải trong chế biến thủy sản cũng là một vấn đề lớn cần phải được quan tâm.

                     BNNT12102020003BNNT12102020004

 BNNT12102020005

TS. Trần Thị Dung- chuyên gia UNDP trình bày dự thảo Kế hoạch quản lý kiểm soát chất thải nhựa trong ngành thủy sản

Vì vậy, trong thời gian tới Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ hoàn chỉnh hệ thống văn bản quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt đối với lĩnh vực thủy sản sẽ ban hành Kế hoạch quản lý, kiểm soát chất thải nhựa trong ngành thủy sản giai đoạn 2021-2030; Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, phát huy vai trò trách nhiệm của các cán bộ, công chức trong công tác bảo vệ môi trường; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành các Luật: Bảo vệ môi trường, Chăn nuôi, Thủy sản, Thủy lợi, Lâm nghiệp, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm; Đề xuất, kiến nghị đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xây dựng, sửa đổi bổ sung Luật Bảo vệ môi trường 2014. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường, các định mức kinh tế kỹ thuật làm căn cứ thực hiện quản lý, thanh tra, kiểm tra và thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường./.

Ái Trinh - Chi cục Thủy sản Bình Định


Tin mới nhất Tin mới nhất

Tin liên quan