A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lễ tưởng niệm Trần Hưng Đạo nhân Ngày Húy kỵ - Lòng thành tri ân tiền nhân

Dù ai buôn xa bán xa

Hai mươi tháng tám giỗ cha thì về

“Cha” trong câu ca dao chính là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Với đức độ và công lao to lớn, Người có vị trí cao trong đạo Thánh ở Việt Nam, được nhân dân suy tôn là “Đức Thánh” và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần đã trở thành một hiện tượng phổ biến trong dân gian.

tran011

Lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN thành phố Quy Nhơn

trong Lễ tưởng niệm Trần Hưng Đạo tại Đền thờ Đức Thánh Trần

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300) là một danh nhân văn hoá, một nhà quân sự kiệt xuất, một vị anh hùng của dân tộc, đã có công lao to lớn trong việc lãnh đạo quân dân Đại Việt 3 lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên - Mông vào thế kỷ XIII, dưới thời Vương Triều nhà Trần. Không chỉ là một nhà quân sự, mà ông còn là một nhà chính trị, nhà văn hóa lớn, một trong những áng văn bất hủ được xem là “Thiên cổ hùng văn” mà ông để lại cho đời sau đó là “Hịch tướng sĩ”; về phép trị nước phải kể đến cuốn “Binh thư yếu lược” là cuốn sách lý thuyết quân sự đầu tiên. Với tài năng chính trị, quân sự kiệt xuất, với tấm lòng tận trung với vua, với nước, Trần Hưng Đạo đã cùng với triều đình nhà Trần và quân dân Đại Việt bảo vệ trọn vẹn độc lập dân tộc, đưa triều đại nhà Trần lên hàng triều đại thịnh trị trong lịch sử phong kiến nước ta và để lại những bài học lịch sử có giá trị về đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Hơn 7 thế kỷ đã qua nhưng tư tưởng giữ nước “lấy dân làm gốc” cùng những tri thức quân sự, cách dùng người và lòng trung quân ái quốc của Hưng Đạo Đại Vương vẫn là bài học sâu sắc đối với các thế hệ hôm nay và mai sau. Trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, ông là một Thượng đẳng phúc thần, là Đức Thánh Trần. Tại sao hậu thế mãi tôn xưng Hưng Đạo Đại Vương Trần Hưng Đạo là Đức Thánh Trần và thờ phụng muôn đời ở rất nhiều nơi? Tất cả đều xuất phát từ “Tâm làm người” và “Đạo làm tướng” của ông, dốc lòng vì lẽ phải, vì đạo làm người, chẳng màn danh lợi, phú quý, vinh hoa.

Năm 1968, nhân dân trong và ngoài thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã tự nguyện đóng góp xây dựng Đền thờ Trần Thánh Sơn Hà (tại số 596/17 đường Trần Hưng Đạo, nay thuộc phường Thị Nại) và năm 1972 tượng đài của Ngài cũng được xây dựng ở một vị trí trang nghiêm tại Hải Minh thuộc phường Hải Cảng. Đây là hai công trình đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích năm 2007. Hằng năm, cùng với các địa phương khác trong cả nước, thành phố Quy Nhơn đều tổ chức Lễ tưởng niệm Đức Thánh Trần nhân Ngày húy kỵ của Ngài vào ngày 20/8 Âm lịch. Trong dịp này, hầu hết các nghi lễ được tổ chức tại Đền thờ Đức Thánh Trần (hiện đang nằm trên đường Trần Hưng Đạo), tuy nhiên trước chính lễ 01 ngày sẽ tổ chức lễ dâng hương tại Tượng đài Trần Hưng Đạo, sau đó rước về Đền thờ. Ngoài ra, tại Đền thờ, những ngày giỗ trong năm và các ngày mùng 01, 14, 15, 30 Âm lịch hàng tháng đều mở cửa đón đạo hữu và nhân dân từ các nơi về lễ đền, dâng hương.

tran

Có thể nói, Lễ tưởng niệm Đức Thánh Trần nhân ngày Húy kỵ của Ngài được tổ chức hàng năm là để tưởng nhớ công ơn của vị Anh hùng dân tộc, vị thiên tài quân sự kiệt xuất. Thắp một nén tâm hương tưởng niệm Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, mỗi người đều mong muốn được bình an, cầu phúc, tránh họa và tự nhủ với lòng muốn gặt hái thành công phải biết gạt bỏ thói quen, lối sống hưởng thụ, sống rộng lượng, hợp lẽ phải và cố gắng phấn đấu từng ngày. Đây còn là sự tri ân sâu sắc đối với các bậc tiền nhân, bởi chúng ta không chỉ hướng lòng với Đức Thánh, mà còn tưởng nhớ và biết ơn biết bao anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì đại nghĩa, để đất nước ta, dân tộc ta và mỗi người chúng ta có được cuộc sống ngày nay. Lễ tưởng niệm không những có ý nghĩa ôn lại truyền thống của cha ông mà còn nâng cao tinh thần trách nhiệm và niềm tin của mỗi một người dân vào tương lai sáng ngời của Tổ quốc Việt Nam./.

 Châu Hồng Tâm

 Trung tâm VH-TT-TT thành phố


Tin mới nhất Tin mới nhất